Trong 3 năm, tổng nguồn lực huy động phòng, chống dịch Covid-19 là 230.055,5 tỷ đồng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 4/4, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” đã làm việc của với Chính phủ.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc. Tham dự cuộc làm việc có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo một số bộ, ngành…

Đã ban hành 134 văn bản pháp luật để tháo gỡ khó khăn do dịch

Trong dự thảo Báo cáo kết quả giám sát được thông tin tai cuộc làm việc cho thấy, từ năm 2020 đến nay đã có 134 văn bản của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo thẩm quyền về các cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch, tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Cả nước đã huy động được sức mạnh, nguồn lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Nguồn lực huy động từ đóng góp của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế bằng tiền, hiện vật với nhiều hình thức khác nhau là hết sức to lớn. Tổng số nguồn lực đã huy động phòng, chống dịch trong 3 năm (2020 - 2022) là 230.055,5 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Nhà nước 186.434,5 tỷ đồng, huy động từ các nguồn khác 43.621 tỷ đồng.

Cùng với đó, có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền. Việc thành lập Quỹ vaccine phòng Covid - 19 Việt Nam và thành công trong ngoại giao vaccine đã thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với phương châm sử dụng vaccine công bằng, miễn phí… đã giúp nước ta nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người dân.

Về thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước; nhân lực từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, thiết bị được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tiến; chính sách về tài chính dần được hoàn thiện bảo đảm thuận lợi cho hoạt động của y tế cơ sở; khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên; mức độ hài lòng của người dân đối với thái độ của nhân viên y tế cơ sở, chất lượng dịch vụ y tế cải thiện đáng kể. Y tế cơ sở, y tế dự phòng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và đã được minh chứng trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19…

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chưa kịp thời dẫn đến tâm lý sợ sai

Đoàn giám sát cũng chỉ rõ một số hạn chế trong việc ban hành một số chính sách trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 trong một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, chưa bảo đảm tính bao quát dẫn đến lúng túng trong tổ chức thực hiện…

Trong đó, cơ chế tài chính chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở, y tế dự phòng. Điều kiện về thuốc, thiết bị, cơ sở vật chất còn chưa bảo đảm. Khả năng cung ứng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở, sử dụng dịch vụ dự phòng còn chưa cao, tình trạng vượt tuyến vẫn chưa được khắc phục triệt để.…

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Báo cáo cũng nêu các nguyên nhân và trách nhiệm của các tồn tại, hạn chế đối với việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 là hệ thống pháp luật để ứng phó với đại dịch trong tình hình khẩn cấp chưa hoàn chỉnh; năng lực của một số tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; việc nghiên cứu, chính sách chưa sâu, chưa kỹ; chưa đánh giá hết các tác động của các chính sách ban hành. Các phương án bảo đảm về nguồn lực cho phòng, chống dịch của một số địa phương, đơn vị tại một số thời điểm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chưa kịp thời dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai trong mua sắm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Nhiều vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh toán, quyết toán, nhất là các khoản chi hỗ trợ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch, chi hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp nhưng chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu trách nhiệm về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm tiến độ, chất lượng; việc phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch trong nhiều trường hợp chưa đúng đối tượng, chưa kịp thời, để tình trạng trục lợi, gây thất thoát nguồn lực cho phòng, chống dịch.

Dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cũng đề xuất các nhóm giái pháp cụ thể về thể chế, cơ chế; về tổ chức thực hiện; đồng thời kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội; đối với Chính phủ; kiến nghị cụ thể đối với các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến trách nhiệm của từng cơ quan.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, đồng thời đề nghị, cần tiếp tục thống nhất số liệu giữa dự thảo Báo cáo kết quả giám sát với Báo cáo của Chính phủ. Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát có nêu các kiến nghị của Đoàn giám sát đối với Chính phủ, trong đó có một số công việc giao cho Chính phủ, nhưng giữa các Bộ, ngành lại chưa thống nhất. Do đó, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ tiếp tục cho ý kiến trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát tại Phiên họp tháng 4 tới. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát này phải hướng tới tháo gỡ cho được những vướng mắc trong thực tiễn huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch, tạo ra tầm nhìn cho tương lai, để không còn bị bất ngờ, lúng túng như khi ứng phó với đại dịch Covid–19; tạo bước phát triển mới cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần