Trong bão đạn bom, khao khát cuộc sống yên bình

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã một năm kể từ khi xe tăng Nga tiến vào Ukraine (24/2/2022), bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng, nhưng đến nay Ukraine vẫn ngày đêm hứng chịu các đợt pháo kích.

Câu hỏi đặt ra hiện nay không phải ai sẽ thắng mà là khi nào cuộc chiến mới chấm dứt? Trong bom đạn, thương đau, người dân cả Ukraine lẫn Nga đang khao khát cuộc sống yên bình.

Thiệt hại nặng nề người và của

Cuối tháng 1/2023, Trưởng Cao ủy Liên Hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi bày tỏ hy vọng tình hình tại Ukraine sớm ổn định sau khi hơn 14 triệu người dân nước này buộc phải sơ tán kể từ khi xung đột xảy ra. Phụ nữ và trẻ em chiếm đến 90% số người rời khỏi đất nước.
“Đây là cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất thế kỷ tại châu Âu. Tôi đã làm việc với những cuộc khủng hoảng như thế này suốt 40 năm, nhưng sự gia tăng chóng mặt của những đám đông hỗn loạn như đang phải chứng kiến là vô cùng hãn hữu” - Filippo Grandi khẳng định.

Người dân Ukraine tại TP Irpin gần thủ đô Kiev gom hành lý rời căn nhà đang cháy vì bị trúng pháo. Ảnh: AFP
Người dân Ukraine tại TP Irpin gần thủ đô Kiev gom hành lý rời căn nhà đang cháy vì bị trúng pháo. Ảnh: AFP

Theo UNHCR, lực lượng Nga đã tấn công bừa bãi vào các khu dân cư và liên tục nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng, khiến hàng triệu thường dân liên tục lâm vào cảnh không điện, nước và nhiệt độ sưởi ấm trong mùa Đông giá lạnh.

Theo ước tính mới nhất từ UNHCR, cuộc xung đột đã khiến hơn 180.000 binh sĩ Nga và hơn 100.000 lính Ukraine bị thương hoặc thiệt mạng. Các nguồn tin phương Tây khác ước tính cuộc chiến đã gây ra khoảng 150.000 người thương vong cho mỗi bên.

Ngoài ra, AFP trích nguồn tin phương Tây cho biết khoảng 30.000 - 40.000 thường dân Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Vào cuối tháng 1/2023, Liên Hợp quốc ước tính có 18.000 dân thường thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc giao tranh, nhưng cho biết con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp quốc cho biết hơn 8 triệu người Ukraine đã phải chạy trốn khỏi đất nước kể từ khi cuộc chiến nổ ra, gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Nước láng giềng Ba Lan là nơi có số người tị nạn lớn nhất, ước tính hơn 1,5 triệu.
Theo một nghiên cứu, cuộc chiến đã gây thiệt hại nặng nề cho dân thường và đảo lộn cuộc sống của người dân trên khắp Ukraine.
Những cuộc tấn công của Nga đã phá hủy và làm hư hại nghiêm trọng nhà cửa, cơ sở kinh doanh, trường học, bệnh viện,... Hơn 2.700 cơ sở giáo dục đã bị hư hại, hơn 300 cơ sở không thể sửa chữa.

Ngân hàng Thế giới ước tính cuộc chiến khiến nền kinh tế Ukraine sụt giảm 35% trong năm 2022, trong khi Trường Kinh tế Kiev ước tính sẽ tốn 138 tỷ USD để xây dựng lại toàn bộ cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá.
Vào đầu tháng 2/2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến công du châu Âu nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến đầy tổn thất này, nhưng viễn cảnh hòa bình thỏa đáng cho đôi bên vẫn còn xa vời.

Dân Nga cảm nhận khó khăn từ các lệnh trừng phạt

Trong khi người dân Ukraine khổ đau vì chết chóc, ly tán thì tại Nga, người dân nước này đang dần cảm nhận những khó khăn đến từ các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga, mà theo đánh giá của hãng tin AP là có quy mô và mức độ khắc nghiệt chưa từng có. Hàng loạt quốc gia phương Tây đã loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Nga cũng như hạn chế việc sử dụng dự trữ ngoại hối của Moscow.

Người tị nạn từ Donbass sang Nga. Ảnh: RIA
Người tị nạn từ Donbass sang Nga. Ảnh: RIA

Về các giao dịch tài chính, người dân ở thủ đô Moscow và các TP khác nói rằng các lệnh trừng phạt thực sự đã chạm đến cuộc sống thường ngày của họ. Kể từ 24/2 năm ngoái, đồng rúp Nga đã giảm tới 30% giá trị so với đồng USD, đài RT thông tin. Chuyện chuyển đổi từ đồng rúp sang ngoại tệ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường tài chính hỗn loạn.

Giá cả tăng mạnh, đặc biệt là các loại thiết bị điện tử và phụ tùng, khi Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào hàng công nghệ, thuốc men và nhiều mặt hàng nhập khẩu khác. Hàng loạt công ty quốc tế đã rút hoạt động kinh doanh khỏi Nga. Các hãng tàu lớn nhất thế giới gồm MSC và Maersk tạm ngừng vận chuyển đến và đi từ Nga. Hai hãng máy bay lớn Boeing và Airbus đã ngừng cung cấp thiết bị và hỗ trợ cho các hãng hàng không Nga.
Ngoài ra, dưới tác động của lệnh cấm bay từ phương Tây cũng như từ Nga, hàng chục nghìn người Nga vẫn còn đang mắc kẹt ở nước ngoài.

“Nhưng súng đạn có lẽ không bao giờ rút kinh nghiệm, hay mủi lòng thương xót. Bất chấp mọi nỗ lực nhân đạo, các cuộc khủng hoảng dường như luôn “đi trước một bước”, để lại vết thương hở miệng trong lòng những đất nước rơi vào xung đột hay chiến tranh, lâu, rất lâu…” - hãng tin AP bình luận.

Những lời kêu gọi cho hòa bình

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà lương tri đặt ra cho nhân loại là nhanh chóng vãn hồi hòa bình, xoa dịu mất mát đau thương cho những mảnh đời bị cuốn vào vòng xoáy khốc liệt ấy, khi sinh mệnh cùng cuộc sống của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng.

Theo hãng tin Reuters, nhiều phong trào kêu gọi giải pháp hòa bình đã nổi lên ở châu Âu thời gian gần đây. Hai nhà hoạt động chính trị được nhiều người Đức ủng hộ là Alice Schwarzer và Sahra Wagenknecht đã đồng công bố bản "Tuyên ngôn vì hòa bình". Tới nay, bản tuyên ngôn đã thu thập được gần nửa triệu chữ ký. Trong số những người ủng hộ có Erich Vad, cựu cố vấn quân sự của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trong khi đó, báo Le Monde của Pháp mới đây đăng tải lời kêu gọi hòa đàm có chữ ký của Bộ trưởng Xã hội Tây Ban Nha Ione Belarra, cựu Chủ tịch Công đảng Anh Jeremy Corbyn, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez,

Tổng thống Colombia Gustavo Petro và chính trị gia tả khuynh Pháp Jean-Luc Mélenchon. Họ kêu gọi "tăng gấp đôi nỗ lực ngoại giao để tạo ra lệnh ngừng bắn và tổ chức đàm phán cho một giải pháp hòa bình bền vững".
Về phía Nga, theo hãng tin TASS, Bộ Nội vụ nước này cho biết nhiều người Ukraine đến Nga trong tình huống khẩn cấp đã được sắp xếp cư trú tại 8 khu vực của Nga. Bộ này nhấn mạnh các cơ quan thực thi pháp luật Nga ưu tiên cấp giấy chứng nhận cho nhóm đối tượng này, những người tìm cách hợp pháp hóa quy chế của họ ở Nga.

Trước đó, bộ này cho biết những người đến từ Ukraine sẽ không phải chịu trách nhiệm khi vi phạm quy định về cơ chế lưu trú tại Nga, theo đó họ có thể xin giấy phép cư trú dựa trên các giấy tờ đã hết hạn. Đến nay, tổng cộng gần 900.000 người Ukraine sơ tán sang Nga.

Nga và nhiều quốc gia khác cho biết tiếp tục tạo thuận lợi để tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần