Trong cái rủi, có cái may

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những chương trình gây được ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc với người xem của Đài Truyền hình Việt Nam những ngày gần đây là Cất cánh tháng 2/2020 với chủ đề “Món quà vô giá”.

Chương trình hấp dẫn bởi cách thực hiện và đặc biệt là mang tới cho khán giả cái nhìn xác đáng để có suy nghĩ, hành động phù hợp trong thời điểm cả nước đương đầu với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, Covid -19.
Với sự tham gia của các diễn giả, khách mời bình luận… là những người từng trải qua, từng tham gia chống dịch SARS cách đây 17 năm như y tá Nguyễn Thị Mến, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà và hiện đang ở tuyến đầu chống dịch Covid -19 là bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, khán giả có thể thấy bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến chống bệnh dịch nguy hiểm này và trách nhiệm của mỗi người trong lúc này để chung tay chiến thắng dịch bệnh.
Một nội dung có lẽ được nhiều người chú ý trong chương trình, đó là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp. Bên cạnh những thông tin xác đáng, đầy thuyết phục về tình hình dịch bệnh Covid-19, cũng như sự chiến đấu không mệt mỏi, cam go mà hiệu quả của các thầy thuốc, truyền cho khán giả niềm tin và sự bình tĩnh trước dịch bệnh, bác sĩ Cấp còn đề cập một vấn đề khiến chúng ta phải suy ngẫm. Đó là khi ông nói về áp lực mà nhẽ ra không đáng có với xã hội nói chung cũng như với những người đang trực tiếp chiến đấu với dịch bệnh như ông và các đồng nghiệp của mình. Đó là nạn tin giả (fake news) trên mạng xã hội những ngày qua.
Theo bác sĩ Cấp, những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch Covid-19 thời gian qua đã phần nào tạo ra sự hoảng loạn trong cộng đồng. Tình trạng đó khiến nhiều nguồn lực lẽ ra phải được dành cho những người bệnh thực sự cần thiết như thuốc men, vật tư y tế, sự chăm sóc cứu chữa của các thầy thuốc… bị phân tán. Và tệ hại hơn, nó còn tạo ra sự kỳ thị với những người bị coi là có thể nhiễm dịch, thậm chí đối với chính những y, bác sĩ, những người đang trực tiếp chiến đấu chống lại dịch bệnh.
Chia sẻ nói trên của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đã một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh báo về nạn lạm dụng, đưa tin thất thiệt trên mạng xã hội. Đây là một tệ nạn không mới, nhiều người đã bị xử lý, luật pháp mà mới đây là Luật An ninh mạng đã có quy định cụ thể về việc xử phạt những hành vi này. Song có thể nói, chưa bao giờ nó gây ra sự chú ý của cộng đồng như những ngày qua và có lẽ cũng chưa bao giờ xã hội cũng như cộng đồng mạng thấm thía về tác hại của những thông tin thất thiệt, những status thiếu trách nhiệm như trong đợt dịch bệnh này.
Không cần phải nói thêm về tác hại của những hành vi trên, vì những chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp là quá đầy đủ, rõ ràng. Điều đáng nói ở đây là đã cả một thời gian khá dài, xã hội cũng như cộng đồng mạng chưa có ý thức thực sự về tác hại của fake news, ở đây không chỉ muốn nói đến những thông tin thất thiệt, mà còn là cả cách nghĩ, suy đoán và đánh giá không chuẩn mực. Từ nhận thức không đầy đủ về tác hại của hành vi trên, không ít người đã vô tình tiếp tay cho những thông tin giả, tin độc hại lan truyền nhiều khi với tốc độ chóng mặt.
Xét về một góc độ nào đó, trong cái rủi có cái may. Chính vì tinh thần chống dịch như chống giặc mà xã hội, cộng đồng và đặc biệt là các cơ quan chức năng thời gian qua đã hành động quyết liệt, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc những người đưa tin thất thiệt trên mạng xã hội về tình hình dịch bệnh Covid - 19 cũng như một số vấn đề khác. Điều đó cũng tạo ra cho xã hội và cộng đồng mạng sự nhìn nhận, cách ứng xử phù hợp với hành vi này, đồng thời cũng cảnh giác hơn, thận trọng hơn trước những thông tin được đưa lên cộng đồng mạng. Con số hơn 170 người, trong đó có cả những người nổi tiếng bị xử lý trong thời gian qua là một minh chứng.
Hy vọng đây sẽ là một bài học tốt cả cho những người tham gia lẫn các cơ quan có trách nhiệm quản lý mạng xã hội.