Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trông chờ các thị trường truyền thống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau những biến cố xảy ra với công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Libya, thị trường Trung Đông cũng trở nên bấp bênh.

KTĐT - Sau những biến cố xảy ra với công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Libya, thị trường Trung Đông cũng trở nên bấp bênh. Để đạt chỉ tiêu đưa 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2011, Bộ LĐTB&XH chủ trương duy trì các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, giữ ổn định chất lượng lao động và kiên quyết chấn chỉnh những hành vi sai phạm của các doanh nghiệp.

Khởi đầu năm 2011, nhiều chuyên gia đã nhận định, thị trường XKLĐcó nhiều bất lợi do tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH đang tích cực chuẩn bị các giải pháp để giữ ổn định thị trường, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) Đào Công Hải cho biết: Các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia… vẫn được duy trì và sẽ tiếp tục nhận nhiều lao động. Hiện, Việt Nam là nước đưa được nhiều lao động nhất trong 15 nước có chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS). Năm 2010 hai bên đã phối hợp tổ chức được 3 kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn, thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Người lao động cũng đã dần quay trở lại với thị trường Malaysia sau 2 năm trầm lắng và trở thành địa chỉ cho lao động phổ thông ở các huyện nghèo bởi chi phí thấp, yêu cầu không nhiều, thu nhập ở mức trung bình (3,5 - 6 triệu đồng/tháng). Số lao động Việt Nam được đưa sang Malaysia làm việc trong năm 2010 là gần 12.000 người, gấp khoảng 4 lần so với năm 2009 (gần 3.000 người). Thị trườngĐài Loan cũng được nhận định là nơi tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam trong năm nay.

Dù thực tế nảy sinh nhiều khó khăn, nhưng với nhiều chính sách mở ra, hoạt động XKLĐ năm 2011 cũng vẫn được hy vọng sẽ có bước đột phá mới. Cục Quản lý lao động ngoài nước, doanh nghiệp và các trường đã chủ động đẩy mạnh đào tạo nghề theo cơ chế đấu thầu, để đào tạo đúng địa chỉ, cấp kinh phí đúng nơi, tập trung vào các nghề công nghệ cao như đốc công, điều dưỡng viên, hàn 3G, 6G, xây dựng để đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.Đồng thời tuyển chọn một bộ phận lao động chưa có tay nghề, hoặc trình độ nghề thấp đáp ứng yêu cầu của thị trường cấp thấp và tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường XKLĐ. Việc mở rộng đối tác, tìm kiếm các hợp đồng mới cũng đặt ra những hướng đi rõ ràng, cụ thể.

Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, tuy những thị trường truyền thống được đánh giá là nhiều tiềm năng, nhưng để đẩy mạnh số lượng lao động cũng cần phải làm công tác thẩm định các hợp đồng tốt, ổn định, ít rủi ro, hướng dẫn các doanh nghiệp ký kết, triển khai đưa lao động đi. Hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan chính quyền, đoàn thể ở địa phương tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động. Cung cấp cho người lao động thông tin đầy đủ, khách quan về thị trường để người lao động đăng ký đi làm việc. Các nước tiếp nhận lao động phải chi kinh phí đào tạo lao động và các doanh nghiệp tham gia XKLĐ phải trực tiếp tìm thị trường cung ứng lao động.

Việc đào tạo nguồn lao động chất lượng, am hiểu pháp luật để đáp ứng những tiêu chuẩn của các thị trường thu nhập cao, tạo vị thế của lao động Việt Nam ở nước ngoài là việc cần được đầu tư ngay. Để giữ thế cạnh tranh, nắm bắt cơ hội và không để bỏ lỡ mất thị trường cho thu nhập cao, điều cần quan tâm chính là nâng cao chất lượng lao động.