Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trông chờ người trẻ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không ít người cho rằng, sân khấu đang rơi vào chuỗi ngày "khủng hoảng" vì lớp đạo diễn gạo cội dần lui về hậu trường, còn lớp kế cận thì chưa chạm tới ngưỡng. Vì thế, có nhiều lý do khiến người quan tâm tới sân khấu cảm thấy thiếu "lửa" khi đặt niềm hy vọng ở đạo diễn trẻ.

Sân khấu buồn

Nhìn lên sàn gỗ thời gian gần đây thấy rõ một sự "nghèo" trong bộ sưu tập các vở diễn mới. Chèo, tuồng, cải lương gần như lặng lẽ với những tác phẩm nằm trong chỉ tiêu dựng vở của các đoàn. Hài kịch - món ăn xôm trò nhất của sân khấu - phải đem trò cũ ra diễn lại. Điển hình, cuộc tụ hội của các tiểu phẩm "Đời cười" trong một chương trình mang tên festival để đón "vụ làm ăn" đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Nơi vốn rôm rả là sân khấu phía Nam với các nhà hát sân khấu nhỏ, cũng khiêm tốn các vở diễn mới, kể cả ở sân khấu 5B Võ Văn Tần lẫn sân khấu kịch Phú Nhuận…

Trông chờ người trẻ - Ảnh 1

Cảnh trong vở kịch hình thể "Stereo Man" của đạo diễn trẻ Như Lai

"Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu" tổ chức đúng thời điểm sân khấu... buồn. Rôm rả đấy, nhưng công bằng nhìn nhận, đó cũng là cuộc tụ hội của các đạo diễn trẻ, các đơn vị nghệ thuật có đủ khả năng tài chính để… đi thi. Cũng như bao liên hoan, hội diễn khác, các vở diễn không mới: "Nghĩa vụ thiêng liêng" (Nhà hát Kịch Quân đội); "Yêu không dễ dàng" (Đoàn kịch Công an nhân dân); "Stereo woman - Được là chính mình" (Nhà hát Tuổi trẻ)... Thậm chí, một số đạo diễn trẻ còn mang sản phẩm tốt nghiệp đi "ứng thí": "Xin một cái tên" (Phan Nhật Phi Long), "Chicago" (Nguyễn Khắc Duy), "Othello" (Cao Thanh Danh). Trong gần 10 ngày, khán giả được dịp thưởng thức 20 vở diễn mang hơi thở trẻ, song màu sắc cuộc sống trong đó không nhiều. Bởi cuộc chơi này, đơn giản như NSND Hồng Vân nhìn nhận chỉ là "muốn tạo cơ hội cho người trẻ tham dự, mong họ tìm được lời giải cho câu hỏi thường trực hiện nay là tại sao các vở diễn được đồng nghiệp, báo giới khen thì khó có khán giả, trong khi những vở diễn bán được vé lại bị chê tơi tả".

Chờ tài người trẻ

Không phủ nhận nhiệt huyết của lớp đạo diễn trẻ khi nhập cuộc. Sân khấu phía Bắc có Anh Tú, Lan Hương, Tuấn Hải… đã nỗ lực hết mình để thổi hồn, tìm cái mới lạ cho vở diễn. Thêm Như Lai khởi nguồn từ các vở hình thể mang tính thử nghiệm. Nhưng cá tính cần thiết để ghi dấu ấn của mỗi cái tên đạo diễn còn mờ nhạt. Sân khấu phía Nam có Trịnh Kim Chi, Lê Quốc Nam, Hòa Hiệp… đã đứng tên một số vở diễn trước công chúng, nhưng không ít người nhận ra sự "hồn nhiên", thiếu những liên kết để xâu chuỗi các tình tiết kịch, lạm dụng yếu tố gây cười. Ngay trên sân khấu của "Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu" vừa rồi, người ta cũng nhận thấy sự dám dấn thân vào các vấn đề "nóng" của xã hội đương đại của Phan Nhật Phi Long, dám mạo hiểm với kịch kinh điển của Cao Thanh Danh…, song NSND Đoàn Dũng nhận xét: Các đạo diễn trẻ cần bước ra ngoài đời, tiếp xúc trực tiếp và đón nhận những gì mà thế giới đang mở ra, để thấy nhiều điều khác với những gì được học.

Mặt khác, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, trong buổi sân khấu buồn này, đạo diễn trẻ không dễ kiếm được "đất dụng võ". Đạo diễn Tuấn Hải đã có lần than thở: "Nếu ngồi chờ kế hoạch của nhà hát, thì may lắm mỗi năm đạo diễn trẻ được giao một vở". Thế nên, đa số họ phải tự thân vận động. Mà thậm chí có sản phẩm trong tay rồi, "rao bán" chẳng ai "mua".

 Mới vào nghề nên nghề còn non, đạo diễn trẻ lại không có nhiều cơ hội để thử sức. Vậy thì, tài năng bao giờ mới được phát huy? Đạo diễn trẻ sung sức đấy, nhiệt huyết đấy, nhưng liệu có trông chờ được vào tài của đạo diễn trẻ?