70 năm giải phóng Thủ đô

Trông đợi quyết sách từ nghị trường

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa chính thức bước vào những ngày nghị luận sôi nổi, nhưng hôm qua, trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, những vấn đề đặt ra từ báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và định hướng năm 2017, cũng như kế hoạch, định hướng chính sách lớn cho giai đoạn tiếp theo của Chính phủ trình cho thấy ngổn ngang những việc cần cái nhìn thấu đáo.

Hơn thế, thực tế cuộc sống đang có rất nhiều vấn đề đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, bản lĩnh hơn của mỗi ĐB Quốc hội.
Những con số Chính phủ đưa ra trước Quốc hội ít nhiều có thể thấy những tín hiệu chưa mấy tích cực của nền kinh tế. Mặc dù Chính phủ kỳ vọng GDP năm 2016 đạt 6,3 - 6,5% (vẫn thấp hơn kế hoạch Quốc hội đề ra là 6,7%), nhưng cũng thừa nhận “do tốc độ tăng GDP không đạt kế hoạch, chỉ số giá tiêu dùng thấp nên tỷ lệ bội chi và tỷ lệ nợ công so với GDP có thể vượt ngưỡng Quốc hội cho phép”. Bởi vậy, nhìn sâu vào nền kinh tế, cử tri vẫn “phấp phỏng” trước thực trạng nợ xấu chưa được giải quyết triệt để; hậu quả của đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp. Áp lực của nhiều ngành sản xuất trước cánh cửa hội nhập rộng mở không còn rào cản, không còn công cụ bảo trợ, khiến nền kinh tế đang chịu sức ép trên tất cả các mặt trận… Dù Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ luôn đề cao phương châm lời nói đi đôi với hành động, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm”. Chính phủ đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hơn các kiến nghị của người dân, DN, đề cao trách nhiệm người đứng đầu… Nhưng tình trạng lãng phí, tham nhũng mãi không được đẩy lùi, vẫn là nỗi “canh cánh bên lòng”. Rồi ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng; hay an toàn vệ sinh thực phẩm thực tế vẫn chưa có chuyển biến căn bản, tạo tâm lý bất an chỉ với câu hỏi “ăn gì cho sạch”; bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, đó cũng là nguyên nhân của sự trì trệ.
Bởi thế, Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội nhiệm kỳ thứ XIV này có vị trí đặc biệt quan trọng, ngoài các nội dung về công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề trọng đại, kỳ họp này sẽ định hướng chính sách tái cơ cấu nền kinh tế và chính sách tài chính, ngân sách cho giai đoạn 2016 - 2020.  Như vậy, thay vì tính toán chi tiêu cho năm kế tiếp như mọi kỳ họp cuối năm khác, lần này, Quốc hội phải lo dài hơn, tính dài hơn cho cả 5 năm tới. Chung tay cùng Chính phủ, Quốc hội dự kiến dành thời gian thảo luận ở tổ, ở hội trường nhiều hơn để bàn tính các giải pháp để có bước đi vững chắc trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Đúng như nhiều người nhận định, đứng trước những vấn đề rất lớn và khó ấy, không chỉ “đến hẹn lại lên” mang ra thảo luận, “nhiệm vụ đặt ra thật nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao”, mỗi ĐB Quốc hội dù đã có kinh nghiệm nghị trường hay mới lần đầu đứng trong Quốc hội, nhưng đại diện cho tiếng nói của cử tri phải có trách nhiệm phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan. Đề xuất được các giải pháp thực hiện nhằm khắc phục các hạn chế, yếu kém, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Và cử tri còn rất chờ mong được nghe rõ các vấn đề được chất vấn, những hướng quyết sách, phương hướng, biện pháp giải quyết, để thấy rõ trách nhiệm của các cấp quản lý. Hơn nữa, đây không chỉ là niềm mong mỏi của cử tri mà cũng là yêu cầu bức thiết đặt ra từ cuộc sống, hy vọng rằng các ĐB Quốc hội không phải nói cho qua, làm cho có, sẽ tìm ra được những giải pháp thực sự đột phá, phát triển bền vững. Bởi để tiến tới mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5 - 6,75%/năm và giải quyết được yêu cầu bức thiết từ cuộc sống không dễ gì, dù những đổi mới trong điều hành của Chính phủ kiến tạo, hành động thực sự thuận lợi để tạo lực bứt phá.