Điều đáng nói, việc đảm bảo nhu cầu chính đáng của người dân, nhưng đồng thời phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trở thành bài toán khó với không ít địa phương. Tuy nhiên, với cách làm sáng tạo, phường Thành Công, quận Ba Đình đang từng bước giải bài toán khó này.
Đảm bảo trật tự đô thịTheo UBND quận Ba Đình, dù không phải là phường có diện tích lớn nhất, nhưng Thành Công lại là nơi có mật độ dân số cao nhất quận (khoảng 27.000 người). Tại đây, đang tồn tại hơn 100 tòa nhà tập thể với 26 sân chung, chiếm khoảng 1/3 diện tích đất tự nhiên của phường. Cùng với thời gian, với tốc độ phát triển dân số, phương tiện, phần lớn không gian công cộng của các nhà tập thể bị xâm phạm làm nơi kinh doanh, phơi quần áo, đun nấu, trông giữ phương tiện gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường.
|
Bãi xe tại nhà G23, G24 khu tập thể Thành Công là một trong những bãi xe được UBND quận Ba Đình cấp phép. Ảnh: Công Trình |
Để khắc phục tình trạng trên, từ năm 2016, được sự đồng thuận của các tổ dân phố, Nhân dân trên địa bàn, UBND phường Thành Công đã kiến nghị UBND quận Ba Đình cho phép triển khai đề án sắp xếp, quản lý khu vực các sân chơi. Theo đó, UBND phường Thành Công đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng trông giữ phương tiện tại các nhà tập thể. Tiếp đó, đã quy hoạch một khu vực sân chung để các hộ có hoàn cảnh khó khăn, có kinh nghiệm tổ chức trông giữ phương tiện đứng ra thực hiện. “Để đưa hoạt động trông giữ phương tiện vào nền nếp, UBND phường đã báo cáo UBND quận tiến hành cấp gần chục điểm trông giữ phương tiện tại các sân chung. Nhờ đó, đến thời điểm này, công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, PCCC đã hạn chế được phần nào” – Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công Ngô Ngọc Lâm cho biết.
"Hiện nay tại các đô thị trong cả nước có khoảng trên 2.500 nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994 với hơn 100.000 hộ dân sinh sống. Trong đó, Hà Nội có hơn 1.500 tòa, TP Hồ Chí Minh có hơn 500 tòa, Hải Phòng có 205 tòa... " - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS Nguyễn Mạnh Khởi |
Theo ghi nhận, sau một thời gian đi vào thực tiễn, đến thời điểm này, công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại khu vực các sân chung nhà tập thể phường Thành Công đã đi vào nền nếp. Đơn cử như tại nhà G23, G24, không chỉ đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, việc sắp xếp điểm trông giữ phương tiện riêng đã hạn chế được phần nào những hiểm họa do chảy nổ gây ra. Bởi ở các điểm trông giữ phương tiện, các thiết bị phòng cháy chữa cháy như tiêu lệnh, bình bọt… đã được trang bị khá đầy đủ, khác hẳn với những năm trước.
Vẫn loay hoay bài toán "phí"Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công Ngô Ngọc Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập khiến công tác trông giữ phương tiện, đảm bảo PCCC chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, theo quy định, đơn vị tổ chức trông giữ phương tiện không được phép dựng lều bạt hay nhà tạm tại sân chung. Do đó, hầu hết các trang thiết bị PCCC phải để trong nhà, hoặc phơi nắng mưa, không đảm bảo chất lượng, tính kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Cũng theo ông Lâm, hiện nay, việc thu phí trông giữ phương tiện tại các khu tập thể được thực hiện theo quy định chung của TP. Tuy nhiên, với mức thu như hiện nay, việc yêu cầu các hộ kinh doanh thường xuyên thay mới, thực hiện nghiêm các quy định về PCCC là điều không hề đơn giản. Lấy ví dụ về điểm trông giữ phương tiện tại nhà G23, G24, ông Lâm đặt bài toán, với diện tích được cấp phép khoảng 116m2, nếu khéo chủ bãi có thể xếp được khoảng 100 xe. Tính trung bình mỗi tháng bãi xe thu khoảng 20 triệu đồng (15 triệu đồng từ xe gửi tháng, 5 triệu đồng từ khách vãng lai - PV), tiền chi cho bảo vệ (6 người/3 ca/ngày), tiền thuê vỉa hè còn chưa đủ, nói gì đến việc thường xuyên thay thế các bình chữa cháy. Do đó để khắc phục tình trạng này, theo ông Lâm, các cơ quan chức năng cần xem xét nâng mức phí trông giữ phương tiện nhằm đảm bảo các cơ sở làm ăn có lãi thì họ mới có điều kiện bổ sung, thay thế các thiết bị PCCC theo quy định.