Nếu được thông qua, đây sẽ là giải pháp tốt nhằm giải quyết phần nào nhu cầu giao thông tĩnh của Hà Nội trước mắt và cả trong tương lai.
Thiếu nhưng vẫn lãng phí
Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 8 triệu phương tiện giao thông và mỗi năm lại gia tăng thêm từ 4 - 5%, nhưng hạ tầng giao thông tĩnh của TP mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đỗ gửi xe. Tình trạng thiếu hụt chỗ đỗ xe đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại nhiều quận nội thành. Xung quanh các cơ sở y tế, trường học, cơ quan làm việc, trung tâm thương mại... việc tìm kiếm chỗ đỗ gửi xe là vấn đề nan giải với nhiều chủ phương tiện.
Trong khi đó không ít khoảng trống giữa lòng đô thị có thể tận dụng làm bãi đỗ xe lại bị bỏ không do vướng quy định của pháp luật; đáng nói nhất là các khu vực gầm cầu. Trước đây Hà Nội có bốn vị trí được cho phép sử dụng để trông giữ xe tạm dưới gầm cầu gồm: Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng, Thanh Trì, Mai Dịch. Sau đó có bổ sung và rút bớt, hiện chỉ còn ba vị trí gồm: gầm cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng, Chương Dương. Riêng gầm cầu Chương Dương chỉ được phép trông giữ xe máy phục vụ tổ chức không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.
Trên thực tế, việc tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân. Anh Trần Thanh Tùng (sống tại Time City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Lượng xe của người dân trong khu chung cư rất đông, không đủ chỗ trông giữ, buộc tôi phải gửi ô tô tại bãi xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy. Gửi xe ở đây đã 4 năm qua không có sự cố gì, giá cả cũng phải chăng, thuận tiện tối đa cho tôi và gia đình”. Không may mắn như anh Tùng, nhiều chủ xe khác trong khu vực vẫn chưa tìm được chỗ gửi xe ổn định, phải đỗ tạm trên lòng đường, vỉa hè hoặc các bãi xe “lậu” vừa bất ổn vừa bất an.
Ông Trần Ngọc Hiền - giám đốc một đơn vị trông giữ xe tại gầm cầu Vĩnh Tuy cho biết, với diện tích gầm cầu khoảng 3.000m2, bãi xe đáp ứng được 200 chỗ đỗ ô tô, chưa kể nhiều xe máy khác, đa số là phương tiện của người dân sinh sống trong khu vực gửi cố định theo tháng. Còn điểm trông giữ tại gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng, dù nhỏ nhưng lại đáp ứng khá tốt nhu cầu gửi xe cho bệnh nhân và người nhà đến khám chữa tại các bệnh viện: Bạch Mai, Tai Mũi Họng T.Ư... với hàng trăm lượt mỗi ngày.
Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có gần 600 cây cầu lớn nhỏ khác nhau, tuyệt đại đa số khoảng không dưới những cây cầu này chưa được nhìn nhận như một nguồn lực cho giao thông tĩnh. Ví dụ như gầm cầu cạn Vành đai 3, đoạn từ Linh Đàm - cầu Thăng Long, dù hàng loạt cao ốc và khu dân cư mọc lên, nhu cầu về bến bãi gửi xe ngày càng lớn nhưng lại chưa được nghiên cứu khai thác để tận dụng.
Thậm chí có trường hợp như gầm cầu Thanh Trì, sau một thời gian giao cho đơn vị của TP tổ chức trông giữ xe đã bị thu hồi lại. Nghịch lý là sau thu hồi, nơi đây biến thành các bãi xe “lậu” sinh lời cho cá nhân, gây mất an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường cho khu vực.
Tận dụng hiệu quả
Nguyên nhân chính khiến Hà Nội chưa thể tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu là do Văn bản hợp nhất số 333/VBHN - BGTVT do Bộ GTVT ban hành có quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác”.
Nhận thấy những bất cập từ quy định này, tháng 12/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12 về tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021, trong đó giao nhiệm vụ cho UBND TP Hà Nội rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe. Bộ GTVT cũng đã đồng thuận cho Hà Nội triển khai một số điểm trông giữ xe dưới gầm cầu, nhưng thời hạn chỉ được hai năm (2020 - 2021).
Và thực tế ghi nhận được từ những điểm trông giữ xe dưới cầm trên địa bàn Hà Nội như: Vĩnh Tuy, Mai Dịch, Ngã Tư Vọng... đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Những điều kiện cốt lõi như: phòng cháy chữa cháy (PCCC), tổ chức giao thông đều được bảo đảm tốt, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết cấu hạ tầng giao thông.
Ông Nguyễn Xuân Tân - Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã ghi nhận thực tiễn tại nhiều đô thị phát triển trên thế giới, người ta tận dụng gầm cầu vào nhiều mục đích. Tùy khoảng tĩnh không có thể bố trí đỗ ô tô, xe đạp, xe máy hoặc trồng hoa, cây cảnh, tạo một không gian đô thị văn minh, sạch đẹp”.
Ở Đức, các gầm cầu cạn đều được đỗ xe cá nhân, trừ xe trọng tải lớn và đều được lắp đặt và trang bị hệ thống chống cháy tự động. Tại Nhật Bản, một số gầm cầu cạn được bố trí làm nơi trông giữ xe, ưu tiên phục vụ người dân đi tàu điện. Cách làm này hoàn toàn có thể áp dụng cho các tuyến đường sắt đô thị của nước ta.
Không chỉ vậy, ở một số khu vực lân cận như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) còn có những gầm cầu được bố trí cho các hoạt động xã hội như: khu vui chơi trẻ em, tập thể dục, bán hàng, họp chợ... vào một số thời điểm nhất định. “Với lợi thế đã có sẵn mặt bằng, hạ tầng xung quanh hoàn chỉnh, không phải đầu tư lớn về xây dựng, việc tận dụng các khu vực gầm cầu cạn đúng cách, đúng mục đích sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho hạ tầng xã hội, phục vụ đời sống của người dân ngày một tốt hơn” - ông Nguyễn Xuân Tân nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng thiếu điểm trông giữ xe được cấp phép và quản lý là cơ hội cho các chủ bãi xe “lậu” thu phí vô tội vạ, trục lợi cá nhân; trong khi rủi ro đẩy cho Nhà nước và người dân tự chịu. Chính vì vậy, việc cấp phép cho các gầm cầu đủ điều kiện trông giữ phương tiện giao thông vừa là cách để kiểm soát, bảo đảm quyền lợi, sự an toàn cho người dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc tháo gỡ rào cản pháp lý đầy tính bất cập, nhìn nhận việc tận dụng gầm cầu, gầm cầu cạn trong đô thị làm bãi trông giữ xe như một giải pháp hữu hiệu cho không chỉ giai đoạn trước mắt mà cả về lâu dài đối với Hà Nội cũng như nhiều TP lớn khác. Tuy nhiên, việc sử dụng gầm cầu cạn làm điểm trông giữ xe cần có những quy định cụ thể, chi tiết bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng, thuận tiện cho tổ chức giao thông; đặc biệt là phân loại rõ những vị trí có thể tận dụng hoặc tuyệt đối không cấp phép trông giữ xe.
Đơn vị được giao nhiệm vụ trông giữ xe phải có trách nhiệm lên phương án bảo đảm trật tự, ATGT cho phương tiện ra, vào bãi. Đồng thời có phương án bảo đảm PCCC được cơ quan chức năng thẩm định, đủ điều kiện mới cấp phép cho đơn vị tiến hành trông giữ phương tiện giao thông.
Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân