Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trống lệnh đã nổi

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016 được Chính phủ chọn là năm khởi nghiệp quốc gia. Có thể nói đây là hồi trống lệnh báo hiệu một thời kỳ phát triển mới mang tính bước ngoặt của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước thành quốc gia khởi nghiệp.

Cú hích khởi nghiệp

Nền kinh tế thị trường toàn cầu dưới áp lực tự do hóa càng có động lực toàn cầu phát triển mạnh khởi nghiệp đặc biệt là động lực cạnh tranh quốc tế, đào thải và sàng lọc khắt khe cho nên cơ hội khởi nghiệp mở ra lớn nhất. Các cơ hội này thường xuyên xuất hiện, mất đi và không có điểm cuối cùng.
 DN starup giới thiệu sản phẩm trong gian hàng tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Khắc Kiên 
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam đang trong quá trình phát triển với tốc độ tăng trưởng trung bình liên tục đạt từ 6 - 7%/năm và gần đây, bộc lộ tính thiếu bền vững như nợ công vẫn khá cao, thâm hụt ngân sách chưa có xu hướng giảm, năng suất lao động thấp hơn mức năng suất lao động trung bình của các nước ASEAN, động lực khởi nghiệp tự thân chưa xuất hiện, cho nên việc thúc đẩy khởi nghiệp được thực hiện bằng tiếng trống lệnh của Chính phủ. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên đại học tốt nghiệp không có việc làm lên tới 191.000, cao đẳng là 98.000 và trung cấp 58.000 (số liệu của Bộ LĐTB&XH năm 2015). 
Các con số này đòi hỏi cao nhất tác động của khởi nghiệp để tạo việc làm và sinh kế của hàng trăm ngàn người lao động trẻ tuổi - chủ nhân tương lai của đất nước, đó là chưa kể đến số lao động thuộc đối tượng khác thiếu việc làm ổn định khá tràn lan. Và với cách xem xét đó, động lực khởi nghiệp được gia tốc thêm bởi giá trị mang tính nhân văn và vì con người.

Hình thành hệ sinh thái mới về khởi nghiệp

Tính đến hết năm 2015, cả nước chỉ mới có khoảng 500.000 DN. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, thành lập mới 1.000.000 DN, và 2.000.000 DN vào năm 2025. Con số cao nhất kỳ vọng đạt được của cả nước là 5.000.000 DN.
Nếu khởi nghiệp là điều kiện cần, thì hệ sinh thái khởi nghiệp là điều kiện đủ để thành công. Ở Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp được hình thành kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (1986) nhưng kể từ năm 2014 khi Hiến pháp sửa đổi 2013 có hiệu lực, Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi càng làm tăng tính đầy đủ, rõ ràng về khung về pháp lý bảo vệ quyền kinh doanh của công dân. Các quyền tự do kinh doanh được mở rộng đến mức cao nhất với độ minh bạch lớn nhất so với giai đoạn trước.

Hệ sinh thái này còn thể hiện ở việc thành lập từng bước các loại quỹ hỗ trợ khởi nghiệp như: Quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm DN, lồng ấp doanh nhân, thông qua Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2016 cùng với việc tạo dư luận ủng hộ khởi nghiệp thông qua hệ thống truyền thông. Đội ngũ chuyên gia nước ngoài được tiếp cận để học hỏi, và kinh nghiệm khởi nghiệp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác được phân tích, đánh giá, tổng kết như từ Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đây là kinh nghiệm thực tế làm bài học có giá trị để thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.

Việc ban hành Quy định thành lập hệ sinh thái khởi nghiệp loại hình DN đổi mới sáng tạo cùng với loại bỏ quy định kìm hãm khởi nghiệp, như bỏ Điều 292 Bộ Luật hình sự để phát huy lợi thế thương mại điện tử trong khởi nghiệp, cho thấy mức độ sẵn sàng về thể chế ủng hộ khởi nghiệp được chuẩn bị theo chiều sâu và thực chất. Những yếu tố cản trở hay bất cập về chính sách đang bị loại bỏ cho thấy khả năng xuất hiện một làn sóng khởi nghiệp rộng lớn trong cả nước. Các cuộc phát động phong trào khởi nghiệp rầm rộ trong sinh viên các trường đại học đang trang bị tinh thần doanh nhân cho sinh viên khi tốt nghiệp. Vấn đề xây dựng văn hóa DN, mà ở mức độ lớn hơn là văn minh làm giàu được đặt ở ví trí phù hợp trong hệ thống quản trị DN. Đây là những tiêu chuẩn hình thành phẩm chất của nghiệp chủ trong điều kiện mới để khởi nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao hơn.

Để tinh thần khởi nghiệp lan tỏa

Để quyết liệt thúc đẩy khởi nghiệp và phát huy sức lan tỏa rất quan trọng của nó, cần tăng cường mức độ phối hợp giữa Nhà nước và cộng đồng khởi nghiệp. Trước hết, môi trường và hệ sinh thái khởi nghiệp đặc biệt là chính sách cần được tiếp tục hoàn thiện với mức hỗ trợ khởi nghiệp tối đa gắn với loại bỏ các yếu tố phi thị trường hoặc cơ chế “xin - cho”.

Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương để khởi nghiệp thành công là cần thiết. Điều này cho thấy cần phải phát huy vai trò điều tiết của Chính phủ trong thúc đẩy khởi nghiệp bằng chính sách, công cụ và biện pháp cải thiện triệt để môi trường khởi nghiệp, giảm chi phí, thủ tục và tăng sức hấp dẫn của môi trường. Việc tạo nguồn quỹ khởi nghiệp, việc thành lập vườn ươm khởi nghiệp và lồng ấp doanh nhân cần được quan tâm nhiều hơn ở các địa phương hay các khu vực có tiềm năng phát triển khởi nghiệp. Đồng thời, cần định hướng dư luận xã hội ủng hộ khởi nghiệp thông qua tuyên truyền, phát động phong trào khởi nghiệp theo nghề nghiệp, địa phương hoặc theo tuổi tác và có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời nhằm huy động triệt để tiềm năng khởi nghiệp.

Tiếp theo, cần xây dựng hệ thống tài liệu hoặc cẩm nang khởi nghiệp làm tài liệu tư vấn khởi nghiệp miễn phí mà Singapore đã có hình thức này trên các trang thông tin điện tử. Do đó, cần tập hợp đội ngũ chuyên gia, nhà DN thành công và đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, kiến thức về khởi nghiệp để huấn luyện các khóa khởi nghiệp miễn phí cũng như xây dựng bộ tài liệu này. Bên cạnh đó, cần xây dựng các trang thông tin điện tử tiếp cận thuận lợi đối với cộng đồng khởi nghiệp và các điểm hỏi đáp về khởi nghiệp đáp ứng nhu cầu thông tin và tư vấn khởi nghiệp với sự thuận tiện cao nhất.

Ngoài ra, việc truyền cảm hứng với cộng đồng khởi nghiệp thông qua xây dựng các điển hình khởi nghiệp trong và ngoài nước để làm tấm gương phấn đấu của cộng đồng nghiệp chủ, phát huy thói quen khởi nghiệp trong tất cả các thành viên xã hội, cải thiện vai trò các câu lạc bộ khởi nghiệp, diễn dàn khởi nghiệp hoặc các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp có sự bảo trợ của các nghiệp chủ thành đạt nhằm hình thành tầng tầng, lớp lớp nghiệp chủ kế cận và đông đảo.