Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trông người, ngẫm ta

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong chuỗi các tour du lịch hướng lên “miền ngược”, năm nay người ta thấy sự khởi sắc rõ nét của hình thức làm du lịch cộng đồng (homestay) ở Sa Pa (Lào Cai).

 Đời sống của người dân vùng núi khác hẳn khi nhà nhà biết làm du lịch một cách bài bản, đúng cách. Nhìn từ đó mà tiếc, vì ở Hà Nội, người dân Đường Lâm còn đang lúng túng với cách làm du lịch này.

Từ Sa Pa...

Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai Trần Hữu Sơn cho biết: “Dự án xây dựng giáo trình dạy làm du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số bắt đầu từ năm 2010. Ban soạn thảo đã đi nhiều địa phương như Hội An (Đà Nẵng), Hạ Long (Quảng Ninh)… để học tập kinh nghiệm rồi nghiên cứu cho phù hợp với đồng bào ở đây. Sau đó, chúng tôi áp dụng thử ở một số hộ làm homestay, trải qua rất nhiều lần rút kinh nghiệm, tháng 11/2013 bộ giáo trình mới hoàn thiện và đem ứng dụng đại trà”. Ưu điểm của bộ giáo trình là thời gian đào tạo ngắn, chỉ với 12 buổi nhưng đồng bào có thể đáp ứng đúng, đủ, tâm lý khách quốc tế. Ngoài bộ giáo trình cho đồng bào làm homestay, nhà quản lý còn song hành cho ra đời giáo trình dạy làm du lịch cho những người làm xe ôm, bán hàng rong…
Một góc làng cổ Đường Lâm.    Ảnh: Quỳnh Linh
Một góc làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Quỳnh Linh
Cứ nghe vợ chồng anh Giàng A Tú và chị Mã Thị Phú (dân tộc Mông, xã Tả Van, huyện Sa Pa) kể chuyện là hiểu “cái được” khi người dân làm du lịch cộng đồng: “Đầu năm nay, chúng tôi được học lớp miễn phí do Sở VHTT&DL tỉnh tổ chức. Vợ chồng tôi vay mượn người thân, bạn bè được gần 20 triệu đồng, bán con trâu đi được thêm 37 triệu đồng và vay ngân hàng 50 triệu đồng để sửa nhà. Lúc đầu, ai cũng lo, nhưng thấy hiệu quả nên vợ chồng tôi rất quyết tâm”. Chị Mã Thị Phú khoe: “Ngày 15/2, chúng tôi đón những vị khách đầu tiên, đến giờ đã tiếp nhận được hơn 300 khách. Nếu khách chỉ ngủ đêm thì thu 70.000 đồng/ngày, khách muốn ăn thì 200.000 đồng/ngày. Trừ chi phí, mỗi tháng cũng được 3 - 5 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình tôi đã thoát nghèo và còn có tiền lo cho hai con ăn học. Nhiều gia đình khác thấy nhà tôi có thu nhập khá cũng muốn làm theo”. Kể cả gia đình anh Lầu Văn Phú (dân tộc Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa) không biết tiếng Anh vẫn làm được homestay. “Đó là bởi, chúng tôi được cầm tay chỉ việc từ cách vệ sinh, trang trí nhà cửa, nấu ăn, giao tiếp với khách… Đặc biệt, chúng tôi được cung cấp bộ công cụ về tiếng Anh là những thẻ, trong trường hợp khách và chủ nhà không nói chuyện được với nhau thì mang thẻ ra, ghép lại để biết khách cần món ăn, chỗ ngủ nào hay nhu cầu gì”.

Nhìn về Đường Lâm

Nhớ lại việc người dân làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đòi trả di tích cách đây không lâu, chợt hiểu nếu người dân được lợi từ di tích thì câu chuyện này đã không xảy ra. Như ở Sa Pa, dù vốn đầu tư ban đầu để làm homestay lên đến cả trăm triệu đồng, nhưng người dân không ngần ngại. Ông Sơn phân tích: “Đó là vì trước đây, người dân không được lợi gì từ du lịch, nhưng làm homestay, đồng bào dân tộc thu được nguồn lợi cao nhất”.

Thực ra, tiềm năng, thế mạnh không thiếu, nhưng Đường Lâm thiếu những “cầm trịch” như ở Sa Pa (Lào Cai) hay như ở Hội An (Đà Nẵng). Mặc dù Ban Quản lý di tích Đường Lâm đã tổ chức cho người dân đi tham quan nhiều điểm di tích trong nước như Bát Tràng, Mai Châu… để học tập kinh nghiệm; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch… nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ. Phần vì người dân chưa nhìn ra lợi ích từ du lịch cộng đồng, phần vì chưa được đào tạo đúng cách. Để giải bài toán làm du lịch ở Đường Lâm, các nhà quản lý văn hóa, du lịch đã bàn thảo đưa ra không ít giải pháp, khả thi có, dễ triển khai có. Nhưng nhân tố quan trọng của việc này vẫn phải là sự vào cuộc của người dân với cách làm du lịch cộng đồng phù hợp. Có lẽ, cũng như ở Sa Pa, ngành du lịch Hà Nội cần có giáo trình dạy người dân Đường Lâm làm homestay. Đấy cũng là cách để bảo tồn và phát huy di tích một cách bền vững.

Ông Sơn chia sẻ, Lào Cai sẵn sàng chia sẻ giáo trình và đào tạo giáo viên cho tất cả các địa phương khác. Hiện, dự án này đã tổ chức được 4 lớp ở Bắc Kạn, 3 lớp ở Hà Giang, tới đây sẽ tổ chức cho Điện Biên, Lai Châu. Kinh nghiệm hay, cớ gì Hà Nội không tham khảo?