Trong tháng 7, Hà Nội triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng tới người lao động và người sử dụng lao động

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sở LĐTB&XH Hà Nội đã hoàn thiện dự thảo lần 1 đang xin ý kiến các sở, ngành góp ý để hoàn thiện quyết định hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để trình UBND TP ban hành. Và quyết tâm trong tháng 7 sẽ hoàn thiện quy trình kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng.

Ngày 14/7, Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại các đầu cầu với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị về việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã khẩn trương thành lập Tổ công tác của Sở để tham mưu UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Đồng thời, Sở LĐTB&XH Hà Nội chủ động phối hợp Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan chủ trì triển khai. Bên cạnh đó là, đề nghị các sở, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu, hướng dẫn chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của sở, ngành trong tổ chức thực hiện.
Sở LĐTB&XH Hà Nội còn thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người lao động theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương thông tin, hiện nay Sở LĐTB&XH Hà Nội đã hoàn thiện dự thảo lần 1 đang xin ý kiến các sở ngành góp ý để hoàn thiện quyết định hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để trình UBND TP ban hành. Và quyết tâm trong tháng 7 sẽ hoàn thiện quy trình kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng theo đúng tinh thần của Bộ trưởng chỉ đạo với các yêu cầu:
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương tham luận về việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Cụ thể thể hóa về trình tự, thủ tục, phân công rõ trách nhiệm của các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện trong tổ chức triển khai thực hiện. Đảm bảo sau khi Quyết định được ban hành, các đơn vị có căn cứ triển khai ngay chính sách hỗ trợ.
Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP, Sở LĐTB&XH Hà Nội đang xây dựng dự thảo về đối tượng, điều kiện được hỗ trợ đối với lao động tự do, đồng thời đang thực hiện nghiên cứu phương thức chi trả để đảm bảo theo đúng nguyên tắc tại Điểm a, Điểm c Khoản 2 Mục I, Nghị quyết số 68/NQ-CP và Điều 44, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. 
Phân cấp trách nhiệm cho các sở, ngành, UBND cấp huyện trong việc phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tăng trách nhiệm của cấp huyện và sở, ngành trong việc triển khai một số chính sách trên địa bàn Thành phố.
“Chúng tôi dự kiến tiếp tục bổ sung hơn 500 tỷ đồng hỗ trợ quỹ vốn vay giải quyết việc làm cho các hộ kinh doanh cá thể, ngoài nguồn vốn vay mà TP Hà Nội triển khai từ đầu năm hơn 500 tỷ đồng” – Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho hay.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cũng cho biết kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt được những kết quả quan trọng, các chỉ tiêu đều được đẩy mạnh thực hiện. Công tác giải quyết việc làm đạt 61,2% kế hoạch năm. Dù chưa hết đợt phát động nhưng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã đạt 73,5% kế hoạch.
TP Hà Nội đã có 14/30 quận huyện không còn hộ nghèo, trong đó có 2 quận không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,21%; tổ chức cai nghiện ma túy đạt 68,1% KH năm...).
Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, TP Hà Nội đã tặng trên 1,4 triệu suất quà với số tiền 616,6 tỷ đồng; ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 33.360 người với số tiền 830 tỷ đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em đã vận động được trên 3,3 tỷ đồng để hỗ trợ cho 4.140 lượt trẻ em nhân Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Đồng thời, Hà Nội đã tổ chức tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong hộ nghèo; tặng quà cho 400 trẻ em thuộc diện F1 tại 07 điểm cách ly tập trung để phòng chống dịch Covid-19.
Công tác an sinh được tăng cường, người dân bị rủi ro trong cuộc sống đều được TP quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, TP Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong triển khai thực hiện và đã hoàn thành đúng tiến độ với với trên 515.000 người dân, hộ kinh doanh gặp khó khăn trên địa bàn TP được hỗ trợ với tổng số tiền 608,5 tỷ đồng.