Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và "dư thừa" đàn ông, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn. Đến năm 2050, số lượng đàn ông Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành khó có khả năng kết hôn tích lũy lại sẽ là 2,3-4,3 triệu người.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Tâm lý "khát con trai" hiện vẫn còn nặng nề ở nhiều nơi, nhất là những vùng nông thôn Việt Nam. Mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, làm chỗ dựa lúc về già khiến nhiều cặp vợ chồng tìm mọi cách, kể cả sự can thiệp của y học để có được "mụn" con trai.
Điều này chính là nguyên nhân khiến số người sinh con thứ ba và chênh lệch giới tính khi sinh gia tăng trên nhiều địa bàn, trong đó có ngoại thành Hà Nội.
Sức ép từ gia đình, dòng họ
"Làng cổ, đẻ cũng cổ" là cụm từ mà người ta nói về xã Đường Lâm, thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Đây là vùng đất nổi tiếng còn lưu giữ nhiều nét đặc sắc của làng cổ Việt Nam, nằm cách trung tâm Thủ đô hơn 50 km về phía Tây.
Người dân ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Mặc dù những năm gần đây bộ mặt nông thôn cũng như đời sống của người dân trong xã có nhiều thay đổi nhưng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ," "khát" con trai vẫn còn phổ biến trong nhiều gia đình ở Đường Lâm.
Tình trạng các gia đình sinh con một bề cố đẻ con thứ tư, thứ năm để có được "mụn" con trai khiến Đường Lâm trở thành một trong những trọng điểm về sinh con thứ ba và chênh lệch giới tính khi sinh của Hà Nội.
Khát con trai
Có một thực tế là trong một số gia đình sinh con một bề là gái, vì sức ép của gia đình và dòng họ, nhiều cặp vợ chồng phải tìm đủ mọi cách để có con trai, kể cả sự trợ giúp của y học để lựa chọn giới tính thai nhi.
Trường hợp chị Kiều Thị L. ở Đường Lâm là một ví dụ. Chồng chị L. là trưởng họ, sức ép có con trai từ gia đình và dòng họ rất nặng nề. Ba lần đẻ đều là gái, thêm hai lần mang bầu nhưng không may thai chết lưu cũng là con gái, cuối cùng, ở lần mang bầu thứ 6, chị L. cũng đẻ được một cậu con trai. Những trường hợp như chị L khá phổ biến ở Đường Lâm.
Tại trường Mầm non Đường Lâm mới được xây dựng khang trang, quy củ, tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh thể hiện rất rõ rệt. Toàn trường có 650 trẻ từ 2-5 tuổi thì số trẻ trai chiếm tới 375 cháu còn lại 275 trẻ là gái.
"Khó khăn nhất khi đi vận động là tâm lý phải có con trai đã ăn sâu vào gốc rễ nhận thức của người dân. Điều này trở thành rào cản trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình. Chính tâm lý đó dẫn đến số người sinh con thứ ba, đặc biệt tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của Đường Lâm vẫn cao," chị Hà Minh Điệp, cán bộ chuyên trách Dân số-Kế hoạch hóa xã Đường Lâm cho biết.
Tình trạng "khát" con trai cũng xảy ra ở nhiều huyện ngoại thành khác ở Thủ đô dẫn đến sự gia tăng số người sinh con thứ ba và chênh lệch giới tính khi sinh, điển hình như ở các huyện Ứng Hòa, Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Mê Linh.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh xảy ra trầm trọng ở nhiều xã của huyện Ba Vì, cao nhất là ở xã Tiên Phong, cứ 53 trẻ trai thì có 21 trẻ gái ra đời; xã Phụng Châu cứ 60 trẻ trai mới có 37 trẻ gái; xã Phú Phương 35 trẻ trai, 20 trẻ gái...
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Ông Nguyễn Văn Vinh - một người cao tuổi ở xã Tây Đằng, huyện Ba Vì cho biết bản thân ông cũng không muốn các cháu đẻ nhiều nhưng "cây phải có cội, có cành, có nếp, có tẻ." Chính vì quan niệm như vậy nên khi con trai cả sinh con một bề gái, vợ chồng ông đã vận động vợ chồng con trai sinh thêm.
Những con số giật mình
Đề cập về tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh ở thị xã Sơn Tây, Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thị xã Sơn Tây Đỗ Việt Hùng đưa ra những con số giật mình.
Trong 14 năm trở lại đây, kể từ năm 2003, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của thị xã Sơn Tây luôn ở mức cao, thấp nhất là 102 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2003) và hiện nay là 131 trẻ trai/100 trẻ gái, tập trung ở các đơn vị: Quang Trung 131 trẻ trai/100 trẻ gái, Lê Lợi 142 trẻ trai/100 trẻ gái, Đường Lâm 178 trẻ trai/100 trẻ gái, Sơn Đông 178 trẻ trai/100 trẻ gái, Trung Sơn Trầm 180 trẻ trai/100 trẻ gái.
Số người sinh con thứ ba của Sơn Tây cũng rất cao, cao điểm nhất vào năm 2012 lên tới 11,3%, trong đó có những xã như Đường Lâm lên tới 24%.
Còn tại huyện miền núi Ba Vì, tỷ số giới tính khi sinh đã giảm nhưng vẫn còn cao so với mặt bằng chung của thành phố. Năm 2015, tỷ lệ này của huyện Ba Vì là 115 trẻ trai/100 trẻ gái và 9 tháng năm nay là 124 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cả năm là 122 trẻ trai/100 trẻ gái.
Theo báo cáo của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội, 9 tháng năm nay, mặc dù số người sinh con thứ ba trên địa bàn toàn thành phố đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức 113,6 trẻ trai/100 trẻ gái.
Các đơn vị có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 120/100 là: Sơn Tây 131,9 trẻ trai/100 trẻ gái; Ứng Hòa 130,1 trẻ trai/100 trẻ gái; Mê Linh 123,6 trẻ trai/100 trẻ gái; Ba Vì 121,9 trẻ trai/100 trẻ gái; Phú Xuyên 121,3 trẻ trai/100 trẻ gái; Thạch Thất 120,9 trẻ trai/100 trẻ gái; Sóc Sơn 120,3 trẻ trai/100 trẻ gái.
Những số liệu trên đã phản ánh thực trạng đáng báo động về chênh lệch giới tính khi sinh ở Thủ đô mà hậu quả của nó ai cũng có thể hình dung ra, không chỉ ảnh hưởng đến tương lai, hạnh phúc của con em mà còn gây ra những hệ lụy cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.
Chênh lệch giới tính khi sinh là vấn đề dân số có tác động, hệ lụy lâu dài và có khi từ đời này sang đời khác song “khát con trai” vẫn như một căn bệnh kinh niên ở các gia đình, dòng tộc.
Dự báo của các chuyên gia dân số cho thấy tình trạng này sẽ dẫn đến hậu quả là trong tương lai, hàng triệu đàn ông Việt Nam sẽ khó có vợ, hoặc buộc phải lấy vợ muộn. Kết hôn quá sớm hoặc quá muộn, tuổi chênh lệch hôn nhân cao, ly hôn, độc thân, bạo hành, bất bình đẳng giới sẽ có cơ sở để ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến cấu trúc gia đình Việt Nam.
Chưa kể các hệ lụy kéo theo do từ những trường hợp không thể kết hôn nhưng vẫn có nhu cầu tình dục sẽ làm gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm xuyên quốc gia.