Nên chăng có một cơ chế đặc thù, giao cho các TP lớn có nhu cầu bức thiết như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được tự quyết vấn đề này(?).
Cho hiệu quả thực tế
Giai đoạn từ 2019 - 2021 Hà Nội đã được Chính phủ và Bộ GTVT thống nhất chủ trương cho tạm sử dụng một số vị trí tại các gầm cầu để tổ chức trông giữ phương tiện, phục vụ nhu cầu thực tế của người dân.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đánh giá: “Trong thời gian sử dụng tạm thời khu vực 4 gầm cầu (Chương Dương, Mai Dịch, Ngã Tư Vọng, Vĩnh Tuy) để trông giữ phương tiện giao thông, các đơn vị đã chấp hành tốt phương án sử dụng đối với những vị trí dưới các gầm cầu để trông giữ tạm thời phương tiện và quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, giải quyết một phần nhu cầu để phương tiện của Nhân dân trong khu vực, góp phần giảm áp lực giao thông tĩnh, bảo đảm trật tự, ATGT và chống UTGT trong khu vực nói riêng, trên địa bàn TP nói chung”.
Trên thực tế, việc tận dụng một số vị trí gầm cầu trông giữ xe đã cho hiệu quả rất tích cực, được người dân ủng hộ và xem như một giải pháp quan trọng cho tình trạng thiếu hụt bãi đỗ xe của Thủ đô hiện tại. Đơn cử như bãi trông giữ xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy với diện tích khoảng 3.000m2, đáp ứng được 200 chỗ đỗ ô tô cùng nhiều xe máy đã trở thành cứu cánh cho hàng nghìn người dân khu vực phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, với tốc độ phát triển đô thị cao trong nhiều năm qua, sự gia tăng chóng mặt cả về dân số lẫn phương tiện giao thông đang đẩy Hà Nội vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Thiếu hạ tầng cho giao thông tĩnh, phương tiện cá nhân phải đỗ tràn ra lòng đường, vỉa hè, gửi tại các bãi “lậu”. Hệ lụy tất yếu là gây UTGT, mất an ninh, trật tự, ATGT, gây nhiều khó khăn cho chính quyền cũng như cư dân đô thị.
Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, ở Anh, Đức, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)… chính quyền đô thị không chỉ cho phép trông giữ xe mà còn khuyến khích các hoạt động kinh doanh, thể thao dưới gầm cầu để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. “Nếu bỏ qua nguồn lực này, Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác sẽ lãng phí hạ tầng sẵn có trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn” - ông Nguyễn Xuân Tân nói.
Vừa qua, Bộ GTVT đã đưa đề xuất cho phép sử dụng gầm cầu cạn đủ điều kiện vào mục đích trông giữ phương tiện giao thông, phục vụ người dân, nhận được sự ủng hộ rất lớn từ đông đảo người dân Hà Nội. Tuy nhiên, trong một động thái mới, Bộ GTVT đã gây thất vọng lớn khi bất ngờ rút lại đề xuất này.
Mở lối thoát cho người dân
Có nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GTVT rút lại đề xuất cho phép trông giữ xe dưới gầm cầu cạn là do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến tổ chức giao thông và an toàn kỹ thuật cho kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đó là bước lùi chính sách, thể hiện sự thận trọng quá mức của cơ quan quản lý đầu ngành GTVT.
Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu phân tích, việc tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu nếu được luật hóa, sẽ có những quy định, điều kiện cụ thể bắt buộc đơn vị thực hiện phải đáp ứng. “Thực tế điểm nào đáp ứng được thì cho triển khai, không đủ điều kiện thì không cấp phép. Cấm tất là không hợp lý” - ông Lê Trung Hiếu nói.
Những đô thị lớn trên cả nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đang cực kỳ khó khăn về hạ tầng giao thông tĩnh. Hàng loạt TP lớn tại các nước phát triển đã cho phép triển khai loại hình trông giữ xe dưới gầm cầu, và kết quả là an toàn, hiệu quả.
Vậy nên chăng cho các đô thị lớn kể trên được tự quyết định việc tổ chức các điểm trông giữ xe tận dụng khoảng trống dưới gầm cầu cạn tùy theo điều kiện của mình(?). Chính phủ và Bộ GTVT có thể xem xét coi đó là quá trình thí điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm đưa ra mô hình quản lý hữu hiệu nhất trong tương lai.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đã có ý kiến đề xuất với Bộ GTVT cho phép tiếp tục trông giữ xe tạm tại một số vị trí gầm cầu như: Chương Dương, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng, Mai Dịch để phục vụ nhu cầu gửi xe, đỗ xe phục vụ các hoạt động văn hóa, xã hội, khám chữa bệnh… của Nhân dân trên địa bàn TP.
Anh Lê Hữu Đạt, sống tại Khu đô thị Time City, phường Vĩnh Tuy chia sẻ: “Hiện trong khu đô thị đã không còn chỗ gửi xe, nếu dẹp bỏ điểm trông giữ dưới gầm cầu Vĩnh Tuy, người dân chúng tôi biết phải gửi xe ở đâu? Với đặc thù quá đông dân, đông xe như Hà Nội, không thể áp dụng cứng nhắc chính sách giống như các địa phương có nhu cầu thấp hơn được”.
Đông đảo người dân Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn chính quyền TP sẽ kiến nghị với Chính phủ và Bộ GTVT cho phép Thủ đô được hưởng cơ chế đặc thù, cấp phép trông giữ xe dưới gầm cầu để giải quyết phần nào nhu cầu thực tế.
Anh Phan Thuận, sống tại phường La Khê, quận Hà Đông nói: “Khu vực tôi đang sinh sống cũng có gầm cầu vượt Yên Nghĩa diện tích rất lớn, chiều cao hàng chục mét, có thể tận dụng tốt làm bãi gửi xe cho người dân, nhưng hiện bỏ không bẩn thỉu, nhếch nhác. Quy định, chính sách phải bắt nguồn từ thực tế, hữu ích cho đời sống Nhân dân mới mang lại hiệu quả, việc trông giữ xe dưới gầm cầu cũng vậy”.
Có thể thấy, với hoàn cảnh khó khăn hiện tại, Hà Nội và một số đô thị lớn rất cần được xem xét cho cơ chế đặc thù, cho phép tự quyết định việc tổ chức các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu với mục tiêu cao nhất là giảm tải hạ tầng, phục vụ Nhân dân.
Hà Nội hiện có gần 600 cây cầu lớn nhỏ khác nhau, tuyệt đại đa số khoảng không dưới những cây cầu này vẫn bỏ trống, chưa được khai thác để đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh hay các loại hình dịch vụ, hoạt động xã hội khác. Trong khi đó, việc tận dụng các khoảng trống đô thị quý giá dưới gầm cầu đã được nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thực hiện từ lâu.