Trụ cột kinh tế “tỏa sáng” với dấu mốc quan trọng trong quan hệ Pháp-Việt - Ảnh 1

Sau nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và Pháp đã quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện ngày 7/10, đưa Pháp trở thành nước thứ 8 có tầm mức quan hệ này với Việt Nam.

Báo Kinh tế & Đô thị đã có bài phỏng vấn với Đại sứ Pháp tại Việt Nam - ông Olivier Brochet về những xung lực mới cho quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, sau dấu mốc này.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. 
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. 

Pháp là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thư ông?

Trong 50 năm qua, Pháp là một trong số những quốc gia châu Âu duy trì mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ, đầy tin tin tưởng, đóng góp và đồng hành với Việt Nam trong quá trình phát triển.

Hai bên đánh giá cao tính trách nhiệm và khẳng định tiếng nói trong các vấn đề quốc tế. Trong khi Pháp là quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, duy trì cam kết tại khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Việt Nam cũng là đối tác tin cậy trên toàn thế giới, đóng góp tiếng nói và cam kết mạnh mẽ trong những vấn đề chung của khu vực.

Trụ cột kinh tế “tỏa sáng” với dấu mốc quan trọng trong quan hệ Pháp-Việt - Ảnh 2

Đối với phía Pháp, việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong việc đồng hành với tiến trình phát triển bền vững, đổi mới cũng như khẳng định độc lập chủ quyền của Việt Nam.

Mặt khác, đây cũng là tinh thần của các quốc gia thành viên EU nói chung kỳ vọng phát huy trong thời gian tới. Tôi tin tưởng dấu mốc quan trọng này sẽ tạo đà phát triển hơn nữa cho hợp tác giữa Việt Nam và Pháp nói riêng, EU nói chung trong thời gian tới.

Với dấu mốc này, Việt Nam và Pháp có thể hợp tác như thế nào để thúc đẩy mối quan hệ giữa EU và ASEAN?

ASEAN hiện là đối tác hết sức quan trọng của EU, đứng thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Mỹ trong quan hệ thương mại. Về phía Pháp cũng có quan hệ thương mại mạnh mẽ với ASEAN. Pháp và EU rất coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên thế giới.

Trong khu vực ASEAN hiện có duy nhất Việt Nam và Singapore triển khai Hiệp định tự do thương mại với EU – cho thấy vai trò đầu tàu tăng cường xung lực phát triển ASEAN và EU của các bạn. Trong chuyến thăm chính thức Pháp vừa rồi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã tới thăm cảng Le Havre – một cảng biển lớn của Pháp. Đây được coi là biểu tượng tiềm năng sáng lạn cho hợp tác hội nhập kinh tế thương mại giữa hai nước. Mặt khác giữa EU và ASEAN cũng có chương trình hợp tác trên biển, thông qua đó giúp tăng cường phát triển kinh tế cũng như duy trì an ninh, hòa bình ổn định trong khu vực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher.

Với việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ông nhìn nhận thế nào về tiềm năng tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Pháp?

Trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), các hoạt động hợp tác thương mại giữa ASEAN và EU nói chung, Việt Nam và Pháp nói riêng thời gian qua đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ.

Trong đó, thặng dư thương mại vẫn còn nghiêng về phía Việt Nam so với các nước thành viên khác của EU. Tuy nhiên, tôi cho rằng một khi các quy định được áp dụng đầy đủ hơn, cùng với đó, kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển, hình thành tầng lớp trung lưu với những nhu cầu mới, sẽ tạo điều kiện cho các hàng hóa châu Âu có chỗ đứng mới trong thị trường Việt Nam.

Trụ cột kinh tế “tỏa sáng” với dấu mốc quan trọng trong quan hệ Pháp-Việt - Ảnh 3

Tôi có thể đề cập tới 4 lĩnh vực tiềm năng là hàng không, y tế dược phẩm châu Âu, lương thực thực phẩm và mỹ phẩm cao cấp. Đây là những nhóm ngành dịch vụ có thể “đón sóng” bật tăng từ châu Âu tới Việt Nam trong thời gian tới.

Mặt khác, trong bối cảnh nâng cấp quan hệ, qua trao đổi, lãnh đạo hai nước cũng bày tỏ kỳ vọng Pháp hỗ trợ Việt Nam nâng cao phần giá trị gia tăng trong sản phẩm dịch vụ, thông qua việc doanh nghiệp Pháp tăng cường đầu tư cho quá trình sản xuất ở Việt Nam. Hiện cũng đã có những doanh nghiệp hợp tác đưa máy móc trang thiết bị để thiết lập dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp và chất lượng cao như vậy tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hai nước cũng xác định một số lĩnh vực chiến lược, mang tính nền tảng, trong đó sự tham gia của các doanh nghiệp Pháp được thể hiện rõ nét. Ví dụ như trong giao thông bền vững, dự án Metro số 3 (Nhổn-ga Hà Nội) là ví dụ cụ thể.

Một lĩnh vực khác là năng lượng. Được biết, Việt Nam đang có nhu cầu năng lượng cao nhằm phục vụ mục tiêu phát triển, đồng thời đang trong chuyển đổi năng lượng để hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon, các DN Pháp sẵn sàng đồng hành trong lĩnh vực này.

Trong khuôn khổ Tuyên bố chung sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nêu rõ một số lĩnh vực hai bên dự kiến phát triển, bao gồm cả khai phá lĩnh vực mới, đặc biệt về đổi mới, sáng tạo, điện nguyên tử, phát triển bền vững…

Trụ cột kinh tế “tỏa sáng” với dấu mốc quan trọng trong quan hệ Pháp-Việt - Ảnh 4

Việt Nam và Pháp có thể khuyến khích đầu tư hai chiều nhiều hơn giữa các doanh nghiệp và ngành công nghiệp ở cả hai nước như thế nào? Những chính sách hoặc sáng kiến ​​quan trọng nào có thể được triển khai nhằm thu hút nhiều hơn đầu tư của Pháp vào Việt Nam và ngược lại?

Các doanh nghiệp Pháp đang có sự hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ Euro và cộng đồng khoảng khoảng 220 doanh nghiệp, tuyển dụng hàng chục ngàn lao động, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam.

Vừa qua, tôi có cơ hội tham gia khai mạc một hội thảo tại Paris giữa phòng công nghiệp thương mại hai nước. Nhìn chung, nguyện vọng từ các doanh nghiệp Pháp khi đầu tư hoặc có ý định đầu tư vào nước bạn là mong muốn sự cải thiện về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đơn giản hóa thủ tục hành chính và kỳ vọng EVFTA được áp dụng đầy đủ và chặt chẽ.

 Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet.
 Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet.

Mặt khác, theo tôi cũng cần tăng cường việc xúc tiến và thông tin tiềm năng đầu tư của Việt Nam tới phía Pháp. Chúng tôi chào đón DN Việt Nam đầu tư sang thị trường Pháp để tận dụng hệ sinh thái đầu tư thuận lợi tại đây với chuỗi trung tâm nghiên cứu chất lượng cao, hệ thống thuế thuận lợi khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Trụ cột kinh tế “tỏa sáng” với dấu mốc quan trọng trong quan hệ Pháp-Việt - Ảnh 5

Với kinh nghiệm trong đổi mới sáng tạo, Pháp có thể hỗ trợ Việt Nam như thế nào, thưa ông? Những lĩnh vực hợp tác công nghệ nào có thể được ưu tiên?

Hiện Pháp vẫn tích cực hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình đào tạo nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo. Như trong Tuyên bố chung đã khẳng định, hai bên nhất trí thúc đẩy các hoạt động giao lưu Nhân dân để tăng cường sinh viên Việt Nam tu nghiệp tại Pháp hoặc theo học tại các cơ sở tại Việt Nam liên kết với Pháp.

Mặt khác, Pháp cũng có thể đồng hành với Việt Nam trong tiến trình xây dựng các chính sách công “mở lối” cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Hiện chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo (NIC) thông qua Banque Populaire - Ngân hàng đầu tư công của Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), để giúp Việt Nam tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

Diễn đàn FrancoTech vừa qua vinh dự đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới tham dự trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức. Station F của Pháp cũng được coi là vườn ươm DN khởi nghiệp lớn nhất châu Âu. Trên cơ sở đó, Pháp tin tưởng có thể chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực này. Ngay cả các doanh nghiệpđang có hoạt động sản xuất tại Việt Nam, cũng tích cực trong quá trình R&D để tạo ra các sản phẩm mới tại Việt Nam xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới, như Decathlon trong lĩnh vực dụng cụ thể thao, hay Sanofi trong dược phẩm…

Trụ cột kinh tế “tỏa sáng” với dấu mốc quan trọng trong quan hệ Pháp-Việt - Ảnh 6

Về hợp tác địa phương, Việt Nam và Pháp cũng có những dấu ấn nổi bật, trong đó quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội và vùng Ile-de-france được coi là “hình mẫu” cho khu vực. Khía cạnh này sẽ được thúc đẩy như thế nào thời gian tới thưa ông?

Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện bao gồm nhiều nội dung trong đó có hợp tác địa phương. Khi đề cập tới TP Hà Nội và vùng Ile- de-france, đây quả thực là một hình mẫu, một ví dụ rất xác đáng. Hai bên đã triển khai hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giao thông bền vững.  

Theo tôi được biết, vừa qua có đoàn công tác của Ile-de-france tới Việt Nam để bàn thảo hợp tác trong thiết kế giao thông đa phương tiện, đồng thời nghiên cứu về nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội, từ đó trở thành chỉ dẫn hữu ích cho các nhà đầu tư Pháp có mong muốn hoạt động tại Việt Nam.

Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng rất vui mừng khi đề cập đến hợp tác địa phương. Khi đến thăm thành phố Le Havre gặp gỡ nguyên Thủ tướng pháp Edouard Philippe, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề cập tiềm năng kết nghĩa TP này với một TP của Việt Nam.

Nhìn chung, tiềm năng về hợp tác địa phương thời gian tới theo tôi là rất lớn, thông qua nhiều nhiều dự án cụ thể với nội dung có thể trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, đến du lịch, văn hóa, giao lưu Nhân dân…

Tôi tin tưởng, với mốc son mới trong quan hệ hai nước, hợp tác địa phương cũng sẽ tìm thấy những xung lực mới, đặc biệt Hội nghị hợp tác địa phương năm 2026 dự kiến diễn ra tại Pháp sắp tới sẽ là một dịp đáng để mong đợi.

Xin cảm ơn ông!

Trụ cột kinh tế “tỏa sáng” với dấu mốc quan trọng trong quan hệ Pháp-Việt - Ảnh 7

14:56 30/10/2024