Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trục lợi bảo hiểm: Liều lĩnh, tinh vi hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, vụ việc thuê người chặt tay, chân để trục lợi bảo hiểm cho thấy, các chiêu trò trục lợi bảo hiểm đang ngày càng tinh vi, liều lĩnh.

Vậy, xử phạt thế nào với hành vi này để đảm bảo sức răn đe, lành mạnh thị trường bảo hiểm nhưng không ảnh hưởng đến các giao dịch dân sự là bài toán đang được giới chuyên gia, các luật sư đưa ra.

Muôn hình vạn trạng

Cơ quan công an quận Bắc Từ Liêm vừa thông tin về vụ việc một phụ nữ 30 tuổi ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), để được thanh toán quyền lợi 3 gói bảo hiểm nhân thọ đã mua, người này đã thuê người chặt bàn tay, bàn chân mình, dựng hiện trường giả một vụ tai nạn đường sắt.

Đây chỉ là một trong rất nhiều những vụ trục lợi bảo hiểm với muôn hình vạn trạng thời gian qua. Theo ông Phùng Đắc Lộc - Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các hành vi, thủ đoạn trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi, phức tạp và xảo quyệt hơn. Đơn cử, có vụ việc cố tình đốt cháy một xe ô tô để được đền bù bảo hiểm. Hay như vụ ô tô bị tai nạn nhưng chưa mua bảo hiểm, để được đền bù, chủ xe đã cất xe đi, mua bảo hiểm và dựng lại hiện trường giả rồi đòi bảo hiểm bồi thường. Thậm chí, có trường hợp giả chết, làm đám tang giả...
Bảo Việt Nhân Thọ - một trong những công ty mà người phụ nữ chặt tay, chân đã mua bảo hiểm. Ảnh: Đinh Trang
Bảo Việt Nhân Thọ - một trong những công ty mà người phụ nữ chặt tay, chân đã mua bảo hiểm. Ảnh: Đinh Trang
Theo đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, hành vi trục lợi bảo hiểm không rời rạc, riêng lẻ mà ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều trường hợp có sự cấu kết, thông đồng giữa khách hàng, nhân viên của DN bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, bên thứ ba có liên quan như nhân viên giám định, bác sỹ, cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sửa chữa xe...

Trong giai đoạn 2007 - 2014, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm là gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31,3%/năm. Tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỷ đồng, trung bình gần 110 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, còn nhiều hồ sơ bồi thường có dấu hiệu trục lợi nhưng DN bảo hiểm không có bằng chứng rõ ràng để từ chối nên vẫn thực hiện chi trả bảo hiểm.

Xử phạt thế nào?

Quy định, hướng dẫn tại Điều 213 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Nghị quyết thi hành bộ luật này cụ thể như sau: Người thực hiện một trong các hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ 3 năm. Nếu chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Đại diện các công ty bảo hiểm cho hay, quy định này không chỉ xử lý với hành vi trục lợi bảo hiểm mà còn cảnh báo, răn đe các cá nhân, tổ chức manh nha ý định trục lợi. Điều này cũng giúp thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh hơn. Theo luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco, đề xuất xử lý hình sự hành vi trục lợi bảo hiểm là cần thiết. Lý do là vì trục lợi bảo hiểm không hề dễ, là hành vi có tính toán kỹ lưỡng, có sự móc ngoặc, tham gia của nhiều người. Bên cạnh đó, thông thường những vụ trục lợi thường có giá trị lớn, gây hậu quả lớn về mặt tài chính. Luật sư Hà Huy Phong cũng cho rằng, cần đưa ra các ngưỡng vi phạm cụ thể, ngưỡng nào thì xử lý hình sự, ngưỡng nào chỉ là quan hệ dân sự bình thường. Một vấn đề nữa cần lưu ý là quan hệ giữa công ty bảo hiểm và khách hàng thực tế chỉ là quan hệ dân sự thông thường. Nếu không có những quy định cụ thể sẽ dễ dẫn đến hình sự hóa các quan hệ dân sự. “Trục lợi bảo hiểm thông thường có sự thông đồng, cấu kết, móc ngoặc của những người có hiểu biết về bảo hiểm, trong đó có đại lý, nhân viên bán bảo hiểm. Ở đây có lỗi của chính DN bảo hiểm trong quản lý nhân viên, quản lý hệ thống đại lý. Vậy, xử lý DN như thế nào cũng là câu hỏi cần được bàn đến”- đại diện Inteco nhấn mạnh.