|
Xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú |
Hành vi đáng lên án
Vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng 6 bị can khác do liên quan đến vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại trung tâm này và một số đơn vị liên quan đang làm xôn xao dư luận trong những ngày qua. Như thông tin từ quá trình điều tra bước đầu của cơ quan công an xác định, các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Kể cả xét dưới góc độ đạo đức hay pháp luật, hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi là tội ác không thể dung thứ, đáng bị cả xã hội lên án. Không thể bao biện bất cứ điều gì cho những sai phạm của các cá nhân, tổ chức trong vụ việc này.
Đây là điều đáng tiếc và họ phải chịu trách nhiệm cho những việc làm sai trái của mình.
Hành vi này càng đáng lên án hơn khi cả nước cùng đồng tâm, hiệp lực cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch. Tại Hà Nội, các cấp chính quyền, hàng trăm nghìn chiến sĩ, bác sĩ... ngày đêm thầm lặng hy sinh cuộc sống của bản thân; gần 10 triệu người dân Hà Nội đã chấp hành rất tốt các yêu cầu cách ly xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ và TP, chấp nhận nhiều thiệt thòi cả về vật chất, tinh thần để ưu tiên tất cả cho phòng chống dịch bệnh và đã đạt được những kết quả đáng mừng. Để hỗ trợ cùng Nhà nước, nhiều tổ chức, cá nhân đã thực hiện các hoạt động từ thiện, quyên góp, ủng hộ vào quỹ chống dịch và giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn. Đi ngược lại những nỗ lực ấy, càng cho thấy hành vi thông đồng đẩy giá thiết bị y tế của các đối tượng này không chỉ là vô cảm mà là tội ác.
Đáng buồn hơn nữa, đây còn là một trung tâm được coi là tiền đồn, là phòng tuyến đầu tiên trong chống dịch Covid-19 của TP, tưởng chừng như phải đứng vững nơi trận tuyến, không thể bị đánh bại, lại bị lợi ích vật chất “hạ gục”. Hay nói khác đi, cán cân giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng đã bị xô lệch bởi lòng tham, bởi sự vụ lợi trước mắt của một số người đã không giữ được mình, trở thành những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Phải khẳng định, hành vi vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Nhật Cảm và một vài người ở CDC Hà Nội hoàn toàn mang tính chất cá nhân. Vụ việc không làm ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như quyết tâm phòng, chống dịch bệnh của hệ thống chính trị và Nhân dân Hà Nội.
|
Quản lý thị trường kiểm tra việc bán khẩu trang tại các hiệu thuốc ở Hà Nội. Ảnh: Chí Hiếu |
Không nương nhẹ cho tiêu cực
Ngay khi cơ quan Công an triệu tập một số cán bộ của CDC Hà Nội để làm rõ vụ việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã cho biết, TP đã yêu cầu Thanh tra TP vào cuộc từ sớm và quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid-19 TP là các trường hợp vi phạm phải được điều tra và xử lý nghiêm, không nương nhẹ. Nếu vi phạm, phải xử lý để làm gương cho những người khác; trong dịch bệnh mà vi phạm sẽ là tình tiết tăng nặng. Chủ tịch UBND TP cũng nói thẳng: “Móc ngoặc, nâng giá vật tư y tế phòng dịch là có tội với Nhân dân, mang tiếng với cộng đồng quốc tế…”.
Trước đó, ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid-19, Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy và lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị phải công khai, minh bạch, thực hiện đúng các quy định trong mua sắm vật tư phòng dịch. Nhưng đáng tiếc, một vài người ở CDC Hà Nội đã mờ mắt trước đồng tiền và rơi vào sai phạm.
Sau vụ việc một số cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội bị khởi tố, bắt tạm giam và dư luận quan tâm về vấn đề mua sắm một số trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ninh cũng vừa có công văn về việc rà soát các hồ sơ, thủ tục liên quan đến mua sắm máy Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 và các thiết bị y tế liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh. |
Quan điểm không dung thứ cho những hành vi sai phạm, dù nhỏ, được thể hiện trong nhiều chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội. Tại Chỉ thị số 31-CT/TU, ngày 3/4/2020, về “Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô”, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu xử lý nghiêm việc đầu cơ tăng giá vật tư y tế và lương thực, thực phẩm. Với những hành vi như nâng giá khẩu trang, dung dịch sát khuẩn..., ngay từ những ngày đầu dịch, các ngành chức năng của TP đã ra quân, xử lý một cách nghiêm khắc.
Tại các cuộc họp, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của TP cũng thường xuyên đốc thúc, giám sát trong việc mua sắm thiết bị y tế để bảo đảm chất lượng, số lượng. TP cũng chỉ đạo các ngành chức năng như Công an TP, Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá. Đồng thời rà soát lại toàn bộ các đơn vị mua sắm, nhất là các bệnh viện, các đơn vị cung cấp trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao cho các hoạt động phòng, chống dịch.
Trên thực tế, từ đầu dịch Covid-19 cho đến nay, các lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn, xử lý hàng trăm trường hợp có ý định đầu cơ, tích trữ, găm hàng hoặc bán tăng giá các mặt hàng thiết yếu cũng như vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch. Sự ra quân quyết liệt của liên ngành công an, công thương và quản lý thị trường cho thấy các lực lượng chức năng chưa từng nương tay cho các vi phạm, dù là nhỏ.
Xử nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh
Khi nhận định về vụ việc này, hầu hết ý kiến các chuyên gia, luật sư, người dân đều bày tỏ sự lên án và quan điểm cần xử lý nghiêm vụ việc. Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện: Sự việc này cho chúng ta bài học về sự gương mẫu của cán bộ đảng viên, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức. Một cán bộ tốt trước hết phải làm đúng pháp luật và theo đúng lương tâm, đạo đức.
Đặc biệt, trong hoàn cảnh dịch bệnh, khó khăn hiện nay thì không cán bộ nào có thể làm trái với lương tâm, đạo đức được. Còn xét về tình tiết tăng nặng hay không còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 đã liệt kê các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong đó có “lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội”. Bản thân hành vi sai phạm của một số cá nhân ở CDC Hà Nội xuất phát từ việc lợi dụng diễn biến dịch bệnh, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 hòng trục lợi đã tương ứng với một trong các tình tiết tăng nặng mà pháp luật quy định. Tới đây, các cơ quan chức năng chắc chắn sẽ xem xét áp dụng đúng quy định của pháp luật.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng thể hiện bức xúc khi đại dịch Covid-19 gây tổn hại lớn cho nền kinh tế và ngân sách quốc gia, làm xáo trộn đời sống, đe dọa tính mạng người dân, lại xảy ra tiêu cực, gian lận. Trong khi tất cả người dân còn có ý thức chấp hành mọi quy định, người cán bộ lại có việc làm phi đạo đức là nâng khống giá thiết bị phòng dịch, hòng đem lại lợi ích riêng tư. Trong khi T.Ư chi ngân sách, các tỉnh cũng phải trích ngân sách, rồi toàn dân cùng đóng góp tiền để chống dịch, thì họ lại bòn rút những đồng tiền ấy. Đó là việc không thể chấp nhận.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối, hành vi này gây ra sự bức xúc, phẫn nộ trong dư luận và cần phải xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa, đấu tranh tội phạm. Đây cũng là biện pháp xử lý cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh đang còn diễn ra phức tạp, nhằm phòng ngừa các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Các ý kiến cũng đều cho rằng, đây là sai phạm của một số cá nhân; không phải vì vụ việc mà có thể quy chụp hay phủ nhận những nỗ lực chung của toàn ngành y tế trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19. Vụ việc cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như quyết tâm phòng, chống dịch bệnh của hệ thống chính trị và người dân TP Hà Nội. Dẫu vậy, những lợi ích, lòng tham cá nhân đã vượt lên trên trách nhiệm và cả tình cảm với nước, với dân vẫn là một điều nhức nhối, phải loại bỏ nhanh chóng.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Quy trách nhiệm của từng cá nhân Bản thân hành vi sai phạm của một số cá nhân ở CDC Hà Nội xuất phát từ việc lợi dụng diễn biến dịch bệnh, nâng giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 nhằm trục lợi. Cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ, để xác định chính xác số tiền trục lợi bao nhiêu, quy định trách nhiệm cho các cá nhân liên quan. Nếu thực sự có sự gian dối, trục lợi, vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm minh. Đối với vụ việc này, cần đưa ra rút kinh nghiệm không chỉ ở Hà Nội mà trên cả nước trong hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe người dân. |
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối: Vi phạm quy định trong hoạt động đấu thầu Hành vi của CDC Hà Nội đã vi phạm quy định của Nhà nước về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Cụ thể, các đối tượng đã nâng giá trị gói thầu theo giá thị trường từ 2,3 tỷ đồng lên thành 7 tỷ đồng bằng các thủ đoạn gian dối, thông thầu nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước thông qua các hoạt động đấu thầu. Nhất là trong bối cảnh cả nước đang đối phó với dịch bệnh Covid-19, chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực nhưng rất hạn chế từ ngân sách Nhà nước, các đối tượng lại lợi dụng vào việc nhu cầu mua sắm trang thiết bị y tế lên cao, sự khan hiếm của hàng hóa để trục lợi. Đây là những hành vi thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu phạm tội “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, hành vi này có thể còn bị xử lý theo quy định tình tiết tăng nặng tại Điều khoản 52.1.l, Bộ luật Hình sự. |
Luật sư Nguyễn Đào Tơ -Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy: Dấu hiệu của sự trục lợi Những vi phạm này dù vì bất cứ lý do nào cũng đều không thể chấp nhận được. Pháp luật cần đưa ra các hình thức xử lý nghiêm khắc hơn nữa để loại bỏ các thành phần gây mất niềm tin cho Nhân dân; một mặt để xử lý người có tội, mặt khác răn đe cho hành vi ứng xử của nhiều chủ thể khác. Chính phủ và Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã có chỉ đạo, hướng dẫn về việc xử lý những hành vi phạm tội liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc các bị can câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm máy xét nghiệm Covid-19, đó là dấu hiệu của sự trục lợi. Ngoài ra, quá trình điều tra mở rộng, nếu cơ quan tố tụng xác định vụ án có đồng phạm sẽ làm rõ vai trò đồng phạm, xác định ai là chủ mưu, ai giúp sức? Thậm chí, nếu cơ quan tố tụng thấy có dấu hiệu của tội danh khác thì cần khởi tố bổ sung để làm rõ. |
Ông Phạm Sông Thao - Bí thư chi bộ khu dân cư số 3, phường Kim Giang (quận Thanh Xuân): Mong cơ quan chức năng vào cuộc rốt ráo Người dân vô cùng bức xúc trước việc trục lợi từ dịch bệnh của một số cá nhân ở CDC Hà Nội. Các đối tượng đã cấu kết với nhau để trục lợi trong lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị đang ngày đêm “diệt dịch”. Rất mong cơ quan chức năng vào cuộc rốt ráo, quyết liệt để những kẻ mờ mắt vì đồng tiền phải chịu sự trừng phạt của pháp luật và để công cuộc "chống dịch như chống giặc" đang thành công với nhiều tín hiệu tích cực không bị ảnh hưởng vì những "con sâu" như những cá nhân liên quan trong vụ việc này. |