Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trục vớt hàng trăm tàu thuyền bị chìm do mưa dông lốc xoáy tại miền Trung

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mưa lớn kèm dông lốc xoáy bất thường, trái mùa xảy ra những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh khu vực miền Trung. Ngoài 3 người chết và mất tích, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân bị đánh chìm, hư hỏng...

Thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai sáng 3/4 cho biết, đến nay, các hình thái thiên tai như mưa lớn, dông, lốc, xoáy đã khiến ít nhất 2 người chết (Phú Yên 1 người, Quảng Nam 1 người). Cùng với đó, 1 trường hợp tại Phú Yên hiện vẫn còn đang mất tích.

Đến sáng nay (3/4), chỉ còn một số huyện như: Đakrông, Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) bị ngập trung bình 1 - 1,5m. Hiện, nước đang rút chậm, dự kiến ngày 3/4 sẽ rút hết. Địa phương này đang tích cực hỗ trợ gia cố đê bao bị tràn (Hải Thọ, Hải Định, Hải Dương, Hải Phong, Hải Trường, Hải Lâm…).

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác trục vớt tàu thuyền, khắc phục hậu quả thiên tai tại tỉnh Phú Yên.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác trục vớt tàu thuyền, khắc phục hậu quả thiên tai tại tỉnh Phú Yên.

Liên quan đến đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam bị vỡ, hiện Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Nam đang theo dõi và lên phương án khắc phục sau khi dòng chảy ổn định trở lại. Đây là con đập có vai trò quan trọng, bảo vệ diện tích hơn 18.000ha lúa của bà con nông dân. 

 

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 3 - 6/4, khu vực Đà Nẵng đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; lượng mưa từ Đà Nẵng đến Quảng Nam từ 100 - 150mm, có nơi trên 200mm; Quảng Ngãi đến Bình Định từ 100 - 200 mm, có nơi trên 250 mm; Phú Yên đến Khánh Hòa từ 100 - 180 mm, có nơi trên 200 mm; Tây Nguyên từ 70 - 120 mm, có nơi trên 150 mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Trong 2 ngày qua, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu, đã tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình có người bị nạn và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả tại cảng cá Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên).

Tại các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lớn, dông, lốc, chính quyền và Nhân dân đang khẩn trương tiêu úng để nước rút đến đâu thu hoạch đến đó. Cụ thể, tính đến 7 giờ sáng 3/4 đã thu hoạch được nhiều diện tích lúa, hoa màu (Quảng Ngãi 400ha; Bình Định 21.901ha; Phú Yên 1.157ha).

Đáng chú ý, đợt mưa lớn trái mùa bất thường kèm dông lốc xoáy vừa qua đã khiến hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung bị nhấn chìm, hư hỏng. Đến sáng nay (3/4), tỉnh Thừa Thiên Huế đã trục vớt 5 thuyền và 2 ghe của ngư dân xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc. Tỉnh Bình Định đã trục vớt đượt 12/55 tàu, đồng thời, hỗ trợ 2 triệu đồng/tàu (20CV); 15 triệu đồng đối với tàu chìm hoặc bị hư hỏng (20-50CV). Trong khi tỉnh Phú Yên có 86/117 tàu bị chìm được trục vớt, và tỉnh Khánh Hoà cũng đã trục vớt được 7/28 tàu.

Thông tin chỉ đạo sáng 3/4, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận nhấn mạnh diễn biến mưa những ngày tới còn rất phức tạp. Chính vì vậy, các địa phương cần khẩn trương, tranh thủ khắc phục sớm nhất, nhanh nhất thiệt hại; hỗ trợ ngay cho người bị thiệt hại ổn định cuộc sống, có chính sách giúp dân tái sản xuất.

Cùng với đó, cần tập trung hỗ trợ người dân về lương thực để không hộ gia đình nào bị thiếu đói. Huy động lực lượng giúp Nhân dân vệ sinh môi trường, khôi phục nhà ở bị tốc mái, khắc phục tình trạng ngập lụt, ổn định đời sống ngay sau khi lũ rút; vệ sinh các cơ sở hạ tầng, công sở để sớm đi vào hoạt động…