Có đi có lại trong bang giao giữa các quốc gia trên thế giới là như thế và trục xuất ngoại giao luôn là chuyện tày đình trong thế giới ngoại giao. Trên danh nghĩa giữa Đức và Nga hiện đang như vậy, nhưng trong thực chất lại không hẳn như vậy. Lý do ở chỗ ca hai phía không có sự lựa chọn nào khác ngoài buộc phải hành xử như đã hành xử với nhau.Ở nước Đức, tòa án đẩy Chính phủ Đức vào tình thế phải làm găng với Nga bằng phán xử cáo buộc Nga có "hành động khủng bố nhà nước" trên lãnh thổ nước Đức. Vì nhu cầu đối nội và đối ngoại, Chính phủ Đức phải hành xử theo cách phía Đức và đồng minh thường hành xử trong những vụ việc mắc mớ tương tự với Nga, cụ thể là áp dụng những biện pháp chính sách trừng phạt Nga và trục xuất các nhà ngoại giao của Nga.Nga trả đũa bằng biện pháp tương tự vì phải dùng hành động mạnh mẽ tương tự để bác bỏ những cáo buộc của phía bên kia và vì nếu không có hành động gì sẽ bị nhìn nhận là mắc lỗi và nhận lỗi. Nga phải ăn miếng trả miếng Đức về ngoại giao như thế bởi nếu không sẽ bị coi là yếu thế và cũng như không bảo toàn được thể diện quốc gia.Nga còn có 2 lý do quan trọng khác nữa. Thứ nhất, nước Đức vừa thành lập chính phủ mới và hiện đóng vai trò quyết định đối với số phận của dự án tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Phía Nga muốn làm cho chính phủ mới ở Đức nhận thức rõ là chuyện nào ra chuyện ấy trong quan hệ song phương và không thể muốn làm gì với Nga thì làm. Thứ hai, Nga phải đáp trả cứng rắn với Đức để răn đe cả Mỹ, EU và Nato trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga với Mỹ, EU và Nato hiện rất căng thẳng và trắc trở.