Trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kinhtedothi – Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), các triển lãm, trưng bày được tổ chức đã giới thiệu nhiều hình ảnh tư liệu, tài liệu quý về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 16/5, tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tinh hoa dân tộc, Tầm vóc thời đại”. Triển lãm do Ban Tuyên giáo và Dân vận T.Ư, Bộ VHTT&DL, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp tổ chức.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tinh hoa dân tộc, Tầm vóc thời đại”. Ảnh: Nam Nguyễn
Triển lãm trưng bày gần 300 hình ảnh tư liệu, tài liệu trưng bày tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ với văn hóa, đạo đức, tinh thần cách mạng của Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, được bố cục thành 4 phần.
Phần 1: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người ghi dấu ấn thế kỷ”, bắt đầu từ sự kiện người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lựa chọn sang phương Tây để tìm đường cứu nước năm 1911, đó là một hướng đi mới, chưa ai thực hiện. Từ thời điểm 1911, mỗi chặng đường hoạt động cách mạng, mỗi dấu mốc trong cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ.
Phần 2: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Biểu tượng của tinh hoa và khí phách dân tộc” giới thiệu về cuộc đời giản dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng ngời, là biểu hiện mẫu mực của sự kết hợp nhuần nhị, tinh tế những nét đẹp của truyền thống văn hóa Đông - Tây; đỉnh cao về tư tưởng, trí tuệ, tâm hồn, tình cảm, đạo đức, lối sống, cốt cách và bản lĩnh Việt Nam.

Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Nam Nguyễn
Phần 3: “Hồ Chí Minh trong tâm trí bạn bè quốc tế”. Đối với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết, mẫu mực, thủy chung; là biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh chống áp bức, bất công; là sứ giả của hòa bình, của đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc trên thế giới.
Phần 4: “Di sản Hồ Chí Minh trường tồn và tỏa sáng trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam”. Phần này nhấn vào các thành tựu nổi bật của đất nước sau gần 40 năm đổi mới trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, hội nhập quốc tế. Nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang, chúng ta càng nhận thức rằng, mỗi bước đi lên, mỗi chiến công và thành tựu của Đảng ta, dân tộc ta giành được đều bắt nguồn từ công lao trời biển và gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Chiến khu Việt Bắc được giới thiệu tại triển lãm.
Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tinh hoa dân tộc, Tầm vóc thời đại” khắc họa tầm vóc, giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc và thời đại, thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ đã dành trọn đời mình cho tự do, độc lập của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân. Đồng thời khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi đường cho dân tộc Việt Nam bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Triển lãm sẽ kéo dài trong vòng một tháng.
Cùng ngày tại, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra khai mạc triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”, nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Triển lãm giới thiệu 60 tác phẩm được chọn lọc trong bộ sưu tập hàng trăm tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ nhân Việt Nam và nước ngoài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm các thể loại, chất liệu khác nhau như: hội họa, đồ họa, điêu khắc, tranh thêu, tranh trổ giấy, tượng...
Hình ảnh Hồ Chủ tịch ở chiến khu Việt Bắc được thể hiện qua các tác phẩm như "Hồ Chủ tịch làm việc ở Chiến khu Việt Bắc" của họa sĩ Phan Kế An, tác phẩm "Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc" của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ... Hình ảnh Bác Hồ với các tầng lớp Nhân dân được các họa sĩ khắc họa sinh động qua tác phẩm "Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng" của họa sĩ Đỗ Hữu Huề, "Bác Hồ thăm vườn trẻ" của họa sĩ Hoàng Đạo Khánh, "Bác Hồ với nông dân" của họa sĩ Văn Thơ…

Tác phẩm "Bác Hồ với thầy thuốc", tranh khắc gỗ của tác giả Nguyễn Trọng Cát được trưng bày tại triển lãm.
Triển lãm "Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình" không chỉ là sự tưởng nhớ và tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, mà còn là cơ hội quý báu để công chúng trong và ngoài nước hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Người.
Triển lãm mở cửa từ ngày 16/5 đến hết ngày 30/5/2025 tại tầng 1 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tuyên truyền kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tranh cổ động
Kinhtedothi - Bộ VHTT&DL đã ban hành Quyết định số 1096/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).

Hà Nội dự kiến tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kinhtedothi - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 315-KH/TU về tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).

Nhiều chương trình nghệ thuật kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kinhtedothi – Chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), trung tuần tháng 5/2025, các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở VH&TT Hà Nội sẽ tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ Nhân dân tại trung tâm một số quận, huyện trên địa bàn TP.