Số liệu mới nhất được công bố cho thấy, cả nước có 14,45 triệu ha đất có rừng, trong đó, diện tích rừng đặc dụng (RĐD) là 2,15 triệu ha, rừng phòng hộ (RPH) là 4,6 triệu ha, chiếm khoảng 31,8% tổng diện tích rừng toàn quốc. Toàn bộ diện tích RPH, RĐD đã đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, trên biển, đất ngập nước, trong đó, phần lớn là rừng nguyên sinh.
Đến nay, cả nước đã thành lập được 33 Vườn Quốc gia, 57 Khu dự trữ thiên nhiên, 12 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 53 Khu bảo vệ cảnh quan và 9 Khu nghiên cứu, thực nghiệm.
Từ năm 2014 – 2019, tổng diện tích đất RPH, RĐD được trồng rừng mới là 57.481,8ha, trung bình mỗi năm đạt gần 11.500ha. Trong đó, có 7.800,1ha RĐD, còn lại 49.681,7ha là RPH. Tổng diện tích RPH, RĐD được khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên là 353.564ha. Từ năm 2014 – 2018, tổng vốn đầu tư cho xây dựng các công trình hạ tầng và trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu RĐD, RPH là 676 tỷ đồng.
Đáng chú ý, công tác phát triển kinh tế rừng trong thời gian qua rất được quan tâm. Đến nay, có 60 khu RĐD có tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; chủ yếu là thuộc các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên và Khu bảo vệ cảnh quan.
Thống kê cho thấy, năm 2018, các khu RĐD đón tiếp 2,39 triệu lượt khách, doanh thu đạt 155,5 tỷ đồng. Năm 2019, các khu RĐD đã đón khoảng 2,5 triệu du khách; doanh thu đạt gần 180 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá, kết quả quản lý hệ thống RPH, RĐD thời gian qua là khá tích cực. Các chính sách đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng đã phát huy tính ưu việt, được toàn thể Nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, các hạn chế trong nhận thức về đa dạng sinh học, sự quá lệ thuộc vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước, khối lượng đồ sộ, chống chéo các văn bản quy phạm pháp luật… đang là rào cản đối với sự phát triển RPH, RĐD.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, yếu kém, tiếp tục quản lý, bảo vệ rừng bền vững, ngành lâm nghiệp cần tập trung nguồn lực nghiên cứu, xây dựng các chính sách phát triển trong thời gian tới. Nhiệm vụ troọng tâm trong năm 2020 là rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản luật, quy phạm pháp luật, thiết lập môi trường pháp lý hội nhập quốc tế, tạo điều kiện triển khai các giải pháp, cơ chế, chính sách quản lý, đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học sát với hoàn cảnh thực tiễn, cũng như tính chất đặc thù của RPH, RĐD.
Đại diện Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các ban quản lý RPH, RĐD tiếp tục phối hợp đồng bộ với chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể quần chúng, phát huy vai trò chủ đạo của cộng đồng dân cư sống trong vùng lõi và vùng đệm để tổ chức triển khai các chương trình, dự án bảo vệ, bảo tồn và cứu hộ các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm. Đồng thời, thực hiện tại chỗ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.