Trung Quốc: 3 quan chức bị sa thải sau siêu bão Nepartak

Tuyết NhungTheo Reuters
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc đã sa thải 3 quan chức thiếu trách nhiệm trong đối phó với siêu bão Nepartak, khiến ít nhất 83 người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế hơn 7,1 tỷ Nhân dân tệ (1,06 tỷ USD) ở tỉnh Phúc Kiến phía đông của Trung Quốc.

Theo đó, ông Huang Shiyang - Phó bí thư huyện Mân Thanh, thuộc TP Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến đã bị đình chỉ khỏi nhiệm vụ sau khi huyện này ghi nhận 73 người thiệt mạng, 19 người mất tích và phá hủy gần 10.000 ngôi nhà trong siêu bão Nepartak.

Ngoài ra, 11 thị xã, thị trấn của huyện cũng bị cắt điện, ngưng mọi hoạt động viễn thông. 2 quan chức cấp thấp hơn ở huyện này cũng bị sa thải. Theo đó, chính quyền tỉnh Phúc Kiến đã chi 170 triệu nhân dân tệ hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng. Thời điểm này là lúc bão thường xảy ra ở Trung Quốc, những cơn bão mạnh dần lên khi đi qua vùng biển ấm và tàn phá đất liền nơi nó đổ bộ.
Bất cập trong công tác phòng chống bão lũ tại Trung Quốc khiến nhiều quan chức bị "mất ghế".
Bất cập trong công tác phòng chống bão lũ tại Trung Quốc khiến nhiều quan chức bị "mất ghế".
Reuters cũng đưa tin, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thực hiện quy định trách nhiệm mới. Theo đó, các quan chức nước này nếu lãnh đạo kém và gây ra sai lầm nghiêm trọng sẽ bị trừng phạt, thông tin được công bố cuối ngày 17/7, với nỗ lực nâng cao kỉ luật trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc vẫn đang diễn ra.

Dẫn nguồn tin Tân Hoa xã cho biết, quy định mới đưa ra một cơ chế chịu trách nhiệm trong Đảng, được áp dụng ở tất cả các cấp, các đơn vị và đặc biệt nhắm tới giới lãnh đạo tại các cơ quan chống tham nhũng địa phương và buộc họ chịu trách nhiệm về những hậu quả nghiêm trọng do sơ suất hoặc hiệu suất làm việc kém.

Một giáo sư của Trường Đảng Trung Quốc cho biết, đây là bước đột phá của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm áp dụng các cơ chế chịu trách nhiệm, không chỉ đối với các cấp ủy Đảng, Ủy ban kiểm tra kỷ luật, mà còn đối với các tất cả các cơ quan, phòng ban công vụ. Đặc biệt, những người vi phạm kỷ luật đảng - trên thực tế chính là hành động tham nhũng cũng sẽ bị trừng phạt. Một số trường hợp sẽ được đưa ra xử lí công khai, bao gồm các biểu hiện vi phạm nghiêm trọng của các quan chức.

Theo quy định này, công chúng sẽ được thông báo về các vụ việc nghiêm trọng. Nội dung mới này cũng đã có hiệu lực thực thi từ ngày 8/7. Chủ tịch Tập Cận Bình đã mạnh mẽ thực thi chiến dịch chống tham nhũng từ khi nhậm chức gần 4 năm trước và đã phanh phui được nhiều vụ bê bối tham nhũng lớn.