Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc báo cáo trường hợp nhiễm H3N8 đầu tiên ở người

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 26/4 báo cáo một trường hợp nhiễm chủng cúm gia cầm H3N8 đầu tiên ở người được biết đến, cảnh báo người dân tránh xa xác gia cầm chết hoặc bị bệnh.

Virus cúm gia cầm H3N8 được biết đến là đã lưu hành từ năm 2002 sau khi lần đầu tiên xuất hiện ở loài chim nước Bắc Mỹ. Virus này được biết đến là có khả năng lây nhiễm cho ngựa, chó và hải cẩu, nhưng trước đây chưa được phát hiện ở người.

Theo báo cáo hôm 26/4 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), một cậu bé 4 tuổi sống ở tỉnh Hà Nam, miền Trung nước này, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng H3N8 sau khi nhập viện hồi đầu tháng với biểu hiện sốt và các triệu chứng khác.

Gia đình cậu bé nuôi gà tại nhà và sống trong khu vực có nhiều vịt hoang dã, do đó nhiều khả năng cậu bé đã bị lây nhiễm trực tiếp từ các loài gia cầm. Các xét nghiệm đối với những người thân cận của cậu bé hiện không cho thấy điều gì bất thường.

Cũng theo NHC, chủng H3N8 hiện không cho thấy "khả năng lây nhiễm hiệu quả cho con người", khẳng định trường hợp của cậu bé nói trên là "lây truyền một lần giữa các loài" và "nguy cơ lây truyền trên diện rộng là thấp".

Tuy nhiên, NHC cảnh báo người dân nên tránh xa xác gia cầm chết hoặc bị bệnh, đồng thời tìm cách điều trị ngay lập tức khi có các triệu chứng sốt hoặc suy giảm hô hấp.

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ, các chủng virus cúm H5N1 và H7N9, lần lượt được phát hiện vào năm 1997 và 2013, là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp bệnh ở người do cúm gia cầm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các bệnh lây nhiễm sang người từ động vật chủ yếu mắc phải thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm, nhưng "không dẫn đến việc lây truyền hiệu quả những virus này giữa người với người".

Vào năm 2012, H3N8 được xác định là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 160 con hải cẩu ngoài khơi bờ biển Đông Bắc nước Mỹ, sau khi nó gây ra bệnh viêm phổi ở động vật.