Trung Quốc cáo buộc cuộc chiến Nga-Ukraine do “bàn tay vô hình”

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bàn tay vô hình" đang sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để phục vụ các chương trình nghị sự địa chính trị nhất định.

Cuộc khủng hoảng Ukraine dường như đang bị điều khiển bởi một “bàn tay vô hình, khiến xung đột leo thang và kéo dài, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đưa ra bình luận tại một cuộc họp báo bên lề hội nghị Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc  ở Bắc Kinh hôm nay [7/3].

“Bàn tay vô hình đang sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để phục vụ các chương trình nghị sự địa chính trị nhất định,” ông Tần nói và không nêu rõ “bàn tay vô hình” là nước nào, nhưng nhắc lại lời kêu gọi các bên bắt đầu đối thoại càng sớm càng tốt để kết thúc cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ II.

“Xung đột, trừng phạt và gây áp lực sẽ không giải quyết được vấn đề. Tiến trình đàm phán hòa bình nên bắt đầu càng sớm càng tốt và nên tôn trọng mối quan tâm về an ninh hợp pháp của tất cả các bên,” nhà ngoại giao nhấn mạnh.

Ông nhắc lại quan điểm của Trung Quốc trong cuộc chiến khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Liên minh châu Âu gia tăng. Nhà ngoại giao nhấn mạnh Bắc Kinh đã không cung cấp vũ khí cho cả hai bên trong cuộc xung đột tại Ukraine, trong bối cảnh giới chức Mỹ cảnh báo về “hậu quả” nếu Trung Quốc gửi viện trợ cho Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương vẫy tay với giới truyền thông khi ông đến dự cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 7/3. Ảnh: Reuters  
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương vẫy tay với giới truyền thông khi ông đến dự cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 7/3. Ảnh: Reuters  

“Trung Quốc không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng và đã không cung cấp vũ khí cho bên nào. Vì vậy, những đổ lỗi, trừng phạt và đe dọa chống lại Trung Quốc là dựa trên cơ sở nào? Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được,” Bộ trưởng Tần Cương nói.

Ông Tần cũng cho rằng cách xử lý của Mỹ trong sự cố khinh khí cầu đã tạo ra cuộc khủng hoảng ngoại giao mà lẽ ra hai bên có thể tránh được.  “Chính sách sai lầm này của Mỹ đối với Trung Quốc là canh bạc liều lĩnh, có thể phải trả giá bằng lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước và thậm chí là tương lai của nhân loại,” ông cảnh báo.

Đề cập vấn đề Đài Loan tại cuộc họp báo, ông Tần nhấn mạnh rằng hòn đảo tự trị này là trung tâm trong việc điều hành các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, mô tả nó là “cốt lõi của các vấn đề cốt lõi và là lằn ranh đỏ đầu tiên không được vượt qua trong quan hệ Mỹ-Trung”.

Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là của riêng mình và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo này. “Giải quyết vấn đề Đài Loan là công việc của Trung Quốc và không quốc gia nào khác có quyền can thiệp,” ông Tần tái khẳng định.

Ông đồng thời cáo buộc chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ là nỗ lực nhằm gây tổn hại lợi ích của các nước trong khu vực. Theo nhà ngoại giao, cuộc khủng hoảng như ở Ukraine không nên diễn ra tại châu Á và tuyên bố bất kỳ nỗ lực nào nhằm cô lập Trung Quốc “chắc chắn sẽ thất bại”.

Hôm 24/2, nhân dịp đánh dấu một năm nổ ra chiến sự Nga-Ukraine, Trung Quốc công bố đề xuất hòa bình 12 điểm, kêu gọi các bên đàm phán nhằm giải quyết xung đột Ukraine. Tuy nhiên, phương Tây bày tỏ hoài nghi về kế hoạch này, trong khi Nga tuyên bố quan tâm đến đề xuất của Trung Quốc, nhưng không có ý định đàm phán vào thời điểm hiện nay.

Sau một năm xung đột Nga-Ukraine, một thực tế mới đang trở nên rõ ràng hơn: Trong khi liên minh cốt lõi của phương Tây vẫn rất vững chắc, họ chưa bao giờ thuyết phục được phần còn lại của thế giới cô lập Nga. Thay vì chia thành 2 phe, thế giới đã bị phân mảnh. Một số nước coi xung đột Nga-Ukraine chủ yếu là vấn đề của châu Âu và Mỹ.

Thay vì coi đó là một mối đe dọa hiện hữu, các quốc gia này chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ lợi ích của chính họ trong bối cảnh biến động kinh tế và địa chính trị do cuộc xung đột gây ra. Hôm 23/2, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết khác kêu gọi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, nhưng Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và nhiều quốc gia ở phía Nam bán cầu tiếp tục bỏ phiếu trắng, nhấn mạnh sự trung lập của họ với cuộc xung đột.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần