Ngày 12/6, sau khi kết thúc cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Yuri Shvytkin cho biết nước này hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Vladimir Jabbarov cho rằng Mỹ muốn tự mình giải quyết các vấn đề trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên, tuy nhiên, không có sự tham gia của Nga và Trung Quốc thì quá trình này (phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên) là không thể.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng đánh giá cao cuộc gặp lịch sử giữa hai lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên và kêu gọi "phi hạt nhân hóa toàn diện" để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
"Việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể ngồi lại với nhau và có những cuộc đàm phán bình đẳng, có ý nghĩa quan trọng, tích cực và đang tạo ra một lịch sử mới", Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh.
“Điểm mấu chốt của vấn đề hạt nhân trên bán đảo là vấn đề an ninh. Phần quan trọng, khó khăn nhất của vấn đề an ninh là để Mỹ và Triều Tiên ngồi xuống tìm cách giải quyết thông qua các cuộc đàm phán ngang hàng”, ông Vương Nghị nói.
"Giải quyết vấn đề hạt nhân, một mặt, tất nhiên, là phi hạt nhân hóa, phi hạt nhân hóa toàn diện. Đồng thời, cần phải có một cơ chế hòa bình cho bán đảo, để giải quyết các mối quan ngại an ninh của Triều Tiên", ông Vương Nghị cho biết.
Theo Reuter, cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên có thể được cân nhắc, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ký một văn kiện "toàn diện" nhằm mục đích phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12/6, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này hy vọng mạnh mẽ rằng cuộc gặp hôm nay sẽ là cuộc gặp lịch sử, là bước tiến lớn hướng tới hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á."
Các bộ trưởng Nội các Nhật Bản bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 tại Singapore diễn ra thành công, tuy nhiên vẫn chưa chắc chắn về sự nghiêm túc của Bình Nhưỡng đối với phi hạt nhân hóa.
Phát biểu họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng mạnh mẽ rằng cuộc gặp hôm nay sẽ là cuộc gặp lịch sử, là bước tiến lớn hướng tới hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á."
Ông Suga hy vọng rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ đưa ra được tiến trình chấm dứt chương trình vũ khí và tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.
Phát biểu tại cuộc họp nội các, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono bày tỏ sự thận trọng rằng vấn đề chính là liệu Triều Tiên có thể hiện cam kết rõ ràng trong nỗ lực hướng tới từ bỏ tất cả vũ khí hủy diệt hàng loạt và các loại tên lửa hay không.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nhấn mạnh: "Bất kể đạt được cam kết nào đó tại hội nghị thượng đỉnh, chúng ta phải thận trọng trong việc hạ thấp cảnh giác cho đến khi chúng ta có thể khẳng định rằng các bước đi cụ thể đã được thực hiện"
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ngày 12/6 rằng ông "hầu như không ngủ đêm qua" để nghĩ về cuộc họp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra ngày 12/6 tại Singapore đã chính thức kết thúc.
Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo ra đã ra tuyên bố chung. Tổng thống Mỹ cam kết “đảm bảo an ninh” cho Triều Tiên, trong khi đó ông Kim Jong Un tái khẳng định cam kết kiên định phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.