Trung Quốc không dễ cắt đứt quan hệ kinh tế với Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng ở Biển Đông có thể gây tác động tới quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc sẽ không dễ ồ ạt cắt 100% thương mại song phương với Việt Nam.

Sự ràng buộc quốc tế

Chia sẻ tại Hội thảo "Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau" diễn ra vào sáng 3/7, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, khi hội nhập chắc chắn có rủi ro, đơn cử như việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại quốc tế, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã phải đối diện với các vụ kiện chống bán phá giá, chịu ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng về tài chính, rủi ro từ sự chuyển dịch của các dòng vốn… Tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay cũng là một dạng rủi ro, tác động tới kinh tế Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa đóng cửa là an toàn, mà trái lại, Việt Nam sẽ còn gặp rủi ro lớn hơn nếu không hội nhập.
Hoạt động giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường.
Hoạt động giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường.
Nhìn nhận về quan hệ kinh tế Việt - Trung, ông Thành cho rằng: "Mặc dù Trung Quốc bắt đầu có những hành động gây hấn với Việt Nam, nhưng không dễ ồ ạt cắt 100% thương mại song phương với Việt Nam". Bởi, quan hệ kinh tế hiện nay không còn là quan hệ song phương mà là đa phương, nên Trung Quốc không dễ xóa bỏ các hiệp định, cam kết quốc tế. Bản thân Trung Quốc phải giữ hình ảnh với thế giới khi chính họ cũng đang phụ thuộc vào thị trường thế giới. Nếu hình ảnh đó xấu đi thì Trung Quốc cũng chịu thiệt hại không nhỏ. Mặt khác, trong mối quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc cũng được hưởng lợi nhiều, Việt Nam nhập khẩu từ quốc gia này tới 36,8 tỷ USD trong năm 2013.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam nhập lượng lớn gạo của Việt Nam. Trung Quốc cũng nhập khẩu một lượng lớn cao su từ Việt Nam, Trung Quốc cũng không thể dừng nhập khẩu điện thoại của Samsung và nhiều tập đoàn xuyên quốc gia khác… Vì còn nhiều ràng buộc nên Trung Quốc sẽ phải cân nhắc rất nhiều. Nếu cắt đứt quan hệ kinh tế với Việt Nam, Trung Quốc cũng sẽ chịu nhiều thua thiệt.

Chuyển hướng để giảm tác động xấu

Theo ý kiến chung của nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện các ngành hàng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, sự phụ thuộc của các nền kinh tế là không tránh khỏi, nhất là Việt Nam lại quá gần với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Nói như ông Lê Đăng Doanh, thì Việt Nam được thế giới quan tâm vì nằm ở phía Nam của nền kinh tế lớn thứ hai và là công xưởng của thế giới, đây là lợi thế mà chúng ta phải biết tận dụng, đồng thời vẫn phải nỗ lực tự chủ để tránh bị phụ thuộc quá sâu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo, 70% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng công nghiệp phụ trợ và máy móc; nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu cây - con giống,  phân bón, thức ăn gia súc; một số sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc dưới dạng thô với tỷ trọng cao (gạo, cao su, trái cây); nhiều dự án lớn do Trung Quốc làm tổng thầu, cung cấp từ A - Z; buôn lậu quy  mô lớn, nhiều hoạt động chui của người Trung Quốc ở Việt Nam không kiểm soát được… là thực trạng cần có giải pháp trong thời gian tới.

Để giảm bớt rủi ro, Việt Nam cần phải cẩn trọng, xem xét lại tất cả các mặt, cần thiết có những điều chỉnh nhất định trong chính sách, quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Ông Võ Trí Thành nhận định, thời điểm hiện nay đang là cơ hội cho Việt Nam đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế và hội nhập sâu rộng. Rất nhiều đối sách cụ thể đã và đang được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ráo riết triển khai như chủ trương đa dạng hóa thị trường, bao gồm cả thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu. Hiện nay, Việt Nam đã ký 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia; đang tích cực đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với một loạt nước trong đó có Mỹ, Nhật; đàm phán FTA với Liên minh thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) và với EU. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường nội địa… Chính vì thế, để thực sự độc lập tự chủ trong cuộc chơi kinh tế với thế giới, Việt Nam cần phải giữ chữ tín, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Với Trung Quốc, Việt Nam đang có và sẽ tiếp tục giữ quan hệ kinh tế, song sức mạnh nội lực cần phải được chú trọng hơn bao giờ hết.