Trung Quốc lại phong tỏa, thêm nguy cho kinh tế toàn cầu

Phan Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc chiến của Nga - Ukraine đang làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu. Nhưng động thái mới đây của Trung Quốc trước sự bùng phát của Covid-19 là một lời nhắc nhở rằng xung đột không phải là nguy cơ duy nhất ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế.

Người dân Thâm Quyến xếp hàng test COVID-19 vào 14/3. Ảnh: AFP
Người dân Thâm Quyến xếp hàng test COVID-19 vào 14/3. Ảnh: AFP
Nền kinh tế Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng

Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh chiến lược "zero-COVID", ngay cả khi nhiều nước trên thế giới đã quyết định học cách sống chung với đại dịch.

Thâm Quyến, một trung tâm công nghệ quan trọng, sẽ phải đóng cửa ít nhất một tuần sau khi thành phố ghi nhận 66 trường hợp bị nhiễm COVID-19 vào ngày 13/3. Tất cả các doanh nghiệp trừ những doanh nghiệp được coi là cần thiết đều phải tạm dừng hoạt động hoặc chuyển sang làm việc tại nhà.

Thượng Hải cũng đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa các trường học, rạp chiếu phim và hạn chế việc đi lại vào thành phố sau khi số người nhiễm tại đây tăng đột biến.

Foxconn – nhà cung ứng của Apple – đã dừng hoạt động tại Thâm Quyến, bao gồm một nhà máy sản xuất iPhone, vì lệnh phong tỏa. Vào ngày 14/3, họ cho biết nhà máy sẽ hoạt động trở lại khi "nhận được thông báo của chính quyền địa phương"

Công ty Đài Loan cho biết họ đã chuyển hoạt động sản xuất sang các địa điểm khác để "giảm thiểu tác động tiềm ẩn" do sự cố gián đoạn, nhưng không nói rõ địa điểm nào sẽ đảm nhận thêm công việc.

Sự không chắc chắn về ngày hoạt động trở lại của Foxconn là một dấu hiệu cho thấy sự e ngại của Trung Quốc đối với việc các ca nhiễm coronavirus ngày càng tăng cao. Cả nước đã ghi nhận 2.125 trường hợp nhiễm bệnh vào 13/3 trên khắp 58 thành phố.

Việc Trung Quốc phong tỏa có thể làm tăng thêm chi phí vận chuyển container vốn đã rất cao, đồng thời làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị chậm trễ bởi địa dịch.

Các nhà kinh tế tại ING chia sẻ ngày 14/3: “Nếu có một ca nhiễm được phát hiện ở cảng Yantian (Thâm Quyến), thì cảng có thể bị đình chỉ trong ít nhất hai tuần. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và nhập khẩu các bộ phận và hàng hóa điện tử".

Việc này có thể làm cho vấn đề lạm phát trở nên tồi tệ hơn. Chi tiêu ở Trung Quốc, một động lực quan trọng đối với sự tăng trưởng của đất nước, cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một làn sóng hạn chế mới của Covid.

Các nhà kinh tế Hao Zhou và Bernd Weidensteiner của Commerzbank cho biết: “Đây chắc chắn là đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất Trung Quốc kể từ sau lần đóng cửa ở Vũ Hán, và đe dọa đến khả năng tăng trưởng vì tiêu dùng nội địa bị ảnh hưởng nặng nề”.

Mục tiêu tăng trưởng mà Bắc Kinh đề ra trong năm 2022 là 5,5%, mức thấp nhất trong ba thập kỷ. Được biết, vào năm 2021, nền kinh tế của đất nước này đã tăng trưởng 8,1%, nhưng tốc độ tăng trưởng giảm mạnh trong những tháng cuối năm.

Chiến tranh gây bất ổn an ninh lương thực thế giới

Svein Tore Holsether, giám đốc điều hành nhà máy sản xuất phân bón Yara International (Na Uy) nói rằng thế giới đang tiến tới một cuộc khủng hoảng lương thực có thể gây ảnh hưởng tới hàng triệu người.

Giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục đã buộc công ty phân bón Yara International phải cắt giảm sản lượng amoniac và urê ở ở châu Âu xuống còn 45% công suất. Bằng giải pháp giảm bớt hai thành phần nông nghiệp thiết yếu đó, ông hy vọng sẽ có tác động mạnh đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu.

Hơn hai tuần sau khi Nga tấn công Ukraine, giá các mặt hàng nông sản chủ lực được sản xuất trong khu vực đã tăng chóng mặt, đặc biệt là lúa mì. Nga và Ukraine là nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm gần 30% thị trường lúa mì, hiện đang bất ổn bởi các hành động quân sự. Giá lúa mì toàn cầu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tuần trước.

Một vấn đề lớn khác là giá phân bón cũng tăng cao khi việc xuất khẩu ở Nga bị hạn chế. Một thành phần thiết yếu trong phân bón gốc nitơ như urê bị giảm bớt do giá khí đốt tự nhiên tăng cao khiến sản lượng ở châu Âu cũng sụt giảm theo.

Thực trạng này đang dấy lên hồi chuông cảnh báo cho các chuyên gia thực phẩm toàn cầu. Các bộ trưởng nông nghiệp của các nước G7 đã gặp nhau hôm thứ 11/2 để thảo luận về tình trạng bất ổn an ninh lương thực.

"Bất kỳ sự gia tăng nào về mức giá lương thực và sự biến động trên thị trường quốc tế có thể đe dọa an ninh lương thực và dinh dưỡng ở quy mô toàn cầu, đặc biệt là những người sống trong môi trường an ninh lương thực thấp", họ nói trong một tuyên bố sau cuộc họp.

Nga và Ukraine đóng vai trò là bệ đỡ cho các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi phụ thuộc vào nhập khẩu. Hoa Kỳ và Châu Âu cũng gặp khó khăn vì giá các mặt hàng nông sản quan trọng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ở mọi thị trường.

Phụ phí nhiên liệu của Uber có thể chỉ là bước khởi đầu

Bắt đầu từ ngày 9/3, những hành khách sử dụng dịch vụ taxi công nghệ của Uber phải trả thêm 0,45 đến 0,55 USD mỗi chuyến, trong khi dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats thu thêm 0,35 đến 0,45 USD, tùy thuộc vào địa điểm. Uber cho biết toàn bộ số tiền thu được từ phụ phí sẽ được chuyển cho các tài xế.

Liza Winship, Giám đốc Vận hành tài xế Uber tại Mỹ và Canada cho hay: “Chúng tôi biết rằng giá cả đang tăng lên trên toàn nền kinh tế, vì vậy chúng tôi đã cố gắng hết sức để giúp các tài xế và người làm dịch vụ vận chuyển mà không tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng".

Uber cho biết việc chuyển sang sử dụng xe điện sẽ là cách tốt nhất để tránh giá xăng tăng chóng mặt trong thời gian dài. Họ sẽ chi tới 4.000 USD mỗi năm cho các tài xế nếu sử dụng ô tô điện. Đồng thời họ cũng hợp tác với Hertz để cung cấp 50.000 Teslas cho các tài xế thuê vào năm 2023.

Tuy nhiên, chi phí nhiên liệu tăng cao vẫn là một vấn đề nhức nhối. Và Uber sẽ không đơn độc trong việc quyết định chuyển một phần chi phí cho khách hàng của mình.

Hành khách cũng có thể bắt đầu thấy phụ phí nhiên liệu trong giá vé máy bay, vì chi phí nhiên liệu chiếm 20% đến 30% chi phí hoạt động của các hãng hàng không.

Valid: True