Chính quyền Bắc Kinh ngày 27/8 đã chỉ trích các lệnh trừng phạt mới nhất của Washington nhắm vào chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, làm trầm trọng thêm quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 27/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng việc chính quyền Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông là không công bằng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Bắc Kinh phản đối các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp của Mỹ đối với các công ty nước này do tham gia xây dựng ở Biển Đông. |
Ông Triệu Lập Kiên bao biện rằng "việc tiến hành xây dựng trên cái gọi là "lãnh thổ của mình là quyền chủ quyền của Trung Quốc", không liên quan gì đến quân sự hóa".
Theo ông Triệu Lập Kiên, Mỹ không có lý do gì để áp đặt các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đối với các công ty và công dân Trung Quốc vì họ đã tham gia vào việc xây dựng này.
Người phát ngôn Triệu Lập Kiên chỉ trích "những hành động này của Mỹ là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn để bảo vệ các quyền và lợi ích mà Bắc Kinh tự coi, tự nhận là "hợp pháp" của công dân và các công ty nước mình.
"Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn để duy trì các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty và cá nhân Trung Quốc" - ông Kiên khẳng định.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 26/8 đưa 24 công ty Trung Quốc vào danh sách cấm mua các sản phẩm nhạy cảm nhất định của Mỹ. Lý do đưa ra là các công ty này tham gia xây dựng các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết 24 công ty này "hỗ trợ Trung Quốc trong các hoạt động xây dựng quân sự và quân sự hóa bị quốc tế lên án tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông".
Trong thông báo đưa ra ngày 26/8, Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh rằng các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc làm xói mòn chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực và chúng diễn ra bất chấp sự lên án của Mỹ cũng như các quốc gia khác.
"Kể từ năm 2013, các công ty nói trên đã hỗ trợ quân đội Trung Quốc bồi đắp hơn 1.200 ha đất tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời lắp đặt nhiều hệ thống phòng không và chống hạm ở đây”- thông báo của Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ.
Trong những tuần gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đã cấm các ứng dụng truyền thông xã hội do Trung Quốc sở hữu là TikTok và WeChat hoạt động tại Mỹ, đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Washington mở rộng danh sách này tới những hoạt động liên quan tới việc lấn chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông./.