70 năm giải phóng Thủ đô

Trung Quốc ngang ngược ở Biển Đông, các nước ĐNA ồ ạt mua chiến đấu cơ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước khu vực Đông Nam Á thay thế các chiến đấu cơ với đơn đặt hàng lên tới hàng tỷ USD.

Các tập đoàn sản xuất máy bay chiến đấu cho biết, họ đang trong thời điểm bận rộn nhất sau 5 năm thị trường im ắng. Nguồn tin từ chính phủ và từ ngành công nghiệp sản xuất vũ khí đều cho hay, họ đang chuẩn bị cho các giao dịch lên đến hàng tỷ USD.
RAF 6 Squadron Eurofighter Typhoons, một trong những chiến đấu cơ đắt hàng.
RAF 6 Squadron Eurofighter Typhoons, một trong những chiến đấu cơ đắt hàng.
Một hội nghị thương mại tổ chức tại Kuala Lumpur trong tuần này đã thu hút sự góp mặt đông đảo của các công ty sản xuất vũ khí từ Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ. Các công ty quân sự Mỹ, vốn là đối tượng kiếm được các “món hời” tại khu vực Đông Nam Á trong những năm từ 1980-1990, nay cũng gặp phải sự cạnh tranh lớn.

Malaysia đang dự kiến thay thế chiến đấu cơ MiG-29 do Nga sản xuất từ những năm 1990 sau nhiều năm trì hoãn. Một nguồn tin cho biết, nước này có thể mua tới 18 máy bay phản lực, trị giá khoảng 2,5 tỷ USD. Các lựa chọn có thể là Saab Gripen - máy bay chiến đấu do Thụy Điển sản xuất, chiến đấu cơ Cuồng phong (Eurofighter Typhoon), Sukhoi Su-30 của Nga, và JF-17 của Pakistan.

Thái Lan, hiện đang sở hữu chiến đấu cơ Northrop F-5 và Lockheed Martin F-16, nhưng cũng đã mua Saab Gripen và có thể sẽ đặt hàng nhiều hơn từ công ty đến từ Thụy Điển, một nguồn tin từ ngành công nghiệp vũ khí tiết lộ.

Trong khi đó, Malaysia dường như nghiêng về phía các công ty đến từ châu Âu nhiều hơn. Trong khi đó, Indonesia, đang tiến gần hơn trong việc đặt hàng máy bay chiến đấu Su-35 của Nga để bổ sung vào lực lượng chiến đấu, bên cạnh các máy bay Lockheed Martin F-16 đang hoạt động.

Các quan chức Đông Nam Á đều cho rằng, mối quan tâm mới của họ đối với máy bay chiến đấu được thúc đẩy phần lớn bởi sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Trước đó, hồi đầu tuần này, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, một máy bay quân sự đã hạ cánh trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Bắc Kinh vừa xây dựng phi pháp một trong một số đường băng mới. Động thái này dấy lên lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ sớm triển khai các máy bay chiến đấu ở khu vực tranh chấp tại Biển Đông.

Về phần mình, Bắc Kinh vẫn liên tục bao biện cho các động thái gia tăng quân sự hóa tại Biển Đông và không ngừng đổ lỗi rằng, nước này cần các phương tiện quân sự để tự vệ. Quốc gia này còn ngang nhiên “tố ngược” các quốc gia khác đang quân sự hóa chứ không phải Trung Quốc.

"Căng thẳng leo thang ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã mở ra xu hướng hiện đại hóa quân đội của các nước. Và xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc”, chuyên gia Craig Caffrey cho biết trong một báo cáo.