Trung Quốc ngang nhiên xây nhà máy điện phi pháp ở Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc xây dựng một cơ sở năng lượng hạt nhân trên biển có thể phục vụ các dự án mà nước này xây dựng trái phép tại khu vực Biển Đông, truyền thông nước này cho hay.

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông bằng cách đẩy nhanh hoạt động quân sự hóa phi pháp và xây dựng trái phép tại các đảo, bao gồm xây dựng đường băng và hải đăng. Mặc dù Bắc Kinh liên tục bao biện rằng, các hành động này chỉ nhằm mục đích dân sự nhưng hình ảnh vệ tinh cho thấy, đường băng nước này xây dựng trái phép đủ khả năng phục vụ cho việc hạ, cất cánh của máy bay quân sự.
 hình ảnh cho thấy các công trình xây dựng trái phép trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hình ảnh cho thấy các công trình xây dựng trái phép trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố, cơ sở năng lượng hạt nhân này có thể di chuyển trên biển đến các khu vực xa đất liền và cung cấp điện ổn định. Tờ này dẫn lời chuyên gia hải quân Trung Quốc Li Jie, không giấu diếm ý định sử dụng cơ sở năng lượng này để cung cấp điện cho các công trình nước này xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Liu Zhengguo, Chánh văn phòng tập đoàn đóng tàu China Shipbuilding Industry Corp, đơn vị có nhiệm vụ thiết kế và xây dựng cơ sở này, trả lời báo chí rằng, tập đoàn này đang đẩy nhanh tiến độ công việc. Cơ sở này được dự kiến hoàn thành vào năm 2018 và đưa vào sử dụng vào năm tiếp theo.

Việc Trung Quốc xây dựng cơ sở cung cấp điện trên biển cho thấy Trung Quốc đang từng bước biến tham vọng bá quyền tại Biển Đông thành hiện thực, bất chấp việc dư luận thế giới chưa bao giờ thừa nhận sự hợp pháp của các công trình này. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ tính hợp pháp đối với các công trình mà Trung Quốc xây dựng tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, nơi có trữ lượng dầu và khí đốt lớn. Đồng thời liên tiếp xây dựng và cải tạo trái phép các đảo đá để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của mình. Các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam đã liên tục phản đối các hành vi quân sự hóa khu vực, đi ngược lại chính các cam kết mà lãnh đạo Bắc Kinh đã đưa ra.

Trước đó một ngày, vào ngày 21/4, Trung Quốc đã ngang ngược khánh thành một thư viện nước này xây dựng phi pháp trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là thư viện đầu tiên của Trung Quốc tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” - mà Bắc Kinh tự tiện đặt cho các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã đơn phương dựng lên cái gọi là “thành phố Tam Sa” vào tháng 7.2012 và tự tiện cho mình quyền quản lý tại đây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần phát biểu phản đối việc Trung Quốc thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, sân bay trên các đảo này… Các hành động này của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền hợp pháp khác của Việt Nam ở Biển Đông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần