Trung Quốc ngừng thu mua lợn Việt Nam: Bao giờ hết vòng luẩn quẩn?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Trung Quốc mua ồ ạt rồi lại dừng thu gom lợn hơi của Việt Nam thời gian qua đã gây lao đao cho nhiều hộ chăn nuôi trong nước. Đáng nói là tình trạng này đã trở thành “điệp khúc” tồn tại nhiều năm nay.

Bất ổn

Từ khoảng đầu tháng 4 vừa qua, thương lái Trung Quốc gia tăng việc thu mua lợn của Việt Nam, nhất là lợn mỡ (khoảng từ 100kg/con trở lên) do thị hiếu tiêu dùng của nước này ưa chuộng thịt lợn mỡ. Động thái thu mua của Trung Quốc đã đẩy giá lợn trong nước lên cao, có thời điểm lên tới gần 60.000 đồng/kg – mức giá cao so với khu vực phía Nam. Tuy nhiên, từ cách đây khoảng một tuần, thương lái Trung Quốc lại đột ngột dừng thu mua lợn của Việt Nam, dẫn tới nhiều bất ổn trên thị trường giá cả và kế hoạch chăn nuôi của các hộ dân.
Xe chở lợn ùn ứ tại khu vực biên giới Na Hình (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).
Xe chở lợn ùn ứ tại khu vực biên giới Na Hình (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).
Bằng chứng dễ nhận thấy nhất là giá lợn hơi xuất chuồng trong nước đã quay đầu giảm rõ rệt. Ở miền Bắc, từ mức giá cao 55.000 – 56.000 đồng/kg, lợn hơi đã giảm xuống chỉ còn 50.000 – 52.000 đồng/kg. Còn ở các tỉnh phía Nam, giá thu mua lợn hơi đã giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg. Không những giá giảm, đầu ra của lợn thương phẩm cũng chững lại, thậm chí nhiều trang trại có lợn đạt trên 100kg không tiêu thụ được, do thị hiếu tiêu dùng của Việt Nam thích ăn thịt nạc nhiều hơn.

Ghi nhận của phóng viên tại một số huyện của Hà Nội, việc gián đoạn thu mua lợn của Trung Quốc đã tác động không nhỏ tới sản xuất của các hộ chăn nuôi. Anh Nguyễn Tuấn Văn – chủ trang trại chăn nuôi tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai cho biết, đến ngày 16/5, giá thu mua lợn hơi trên địa bàn chỉ còn 46.000 đồng/kg, giảm tới 8.000 - 9.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây hai tuần. Không chỉ lợn thịt, giá lợn giống cũng giảm khoảng 150.000 - 200.000 đồng/con. “Vài ngày nay, tình hình tiêu thụ lợn của các hộ dân đang chững lại do thương lái thu mua chậm. Nếu tình trạng này kéo dài, giá lợn còn tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hộ chăn nuôi” – anh Tuấn chia sẻ.

Một trong những điều đáng lo ngại nữa là việc thu mua lợn mỡ ồ ạt rồi lại ngưng của thương lái Trung Quốc còn gây ra nhiều xáo trộn đối với ngành chăn nuôi Việt Nam. Bởi khi phía Trung Quốc đẩy mạnh thu gom lợn, đầu ra thuận lợi trong một thời gian ngắn khiến cho người chăn nuôi ồ ạt tái đàn, phá vỡ cơ cấu thị trường lợn giống trong nước. Nghiêm trọng hơn, trong một vài tháng tới, rất có thể thị trường đầu ra của lợn sẽ lại tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu trong nước vẫn ổn định trong khi nguồn cung tăng.

Loay hoay tính bền vững

Thực trạng thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua lợn mỡ trong một thời gian ngắn rồi lại “lật kèo” dừng thu mua đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây. Năm nào, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng phát đi thông điệp cảnh báo người chăn nuôi thận trọng tái đàn sau những diễn biến trên, thế nhưng mọi chuyện vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn mà chưa có hướng giải quyết triệt để tận gốc rễ. Ngày 16/5, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, nguyên nhân của tình trạng này do thương lái Trung Quốc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. Do đó, chúng ta không thể biết kế hoạch mua của họ là bao nhiêu. Theo thị sát của phía Cục Chăn nuôi, có những ngày ở khu vực biên giới có tới 60 – 70 xe lợn được tập kết, vận chuyển qua biên giới, thậm chí có nơi còn lập hàng rào, đường dẫn để lùa lợn chạy qua biên giới.

Chính việc bị động trong kế hoạch sản xuất và đầu ra đã khiến cho ngành chăn nuôi của nước ta tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi khẳng định, khi nào còn xuất khẩu tiểu ngạch lợn sang Trung Quốc, khi đó tình trạng bất ổn của chăn nuôi vẫn chưa được giải quyết. Theo ông Nguyễn Văn Trọng, để không lặp lại “điệp khúc” trên, người dân cần thận trọng khi tái đàn. Đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi theo chuỗi liên kết, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có kế hoạch sản xuất cụ thể mang tính ổn định.q
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, về lâu dài, Việt Nam cần phải hướng tới thị trường xuất khẩu thịt lợn chính ngạch. Đối với một thị trường đầy rủi ro như Trung Quốc, cần phải tính toán thận trọng và thiết lập hàng rào kiểm soát đủ mạnh thì mới tính đến phương án trên.