Trung Quốc phản ứng mạnh khi bị cáo buộc đứng sau chiến dịch tin tặc toàn cầu

Nguyễn Phương (Theo SCMP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại EU và 5 quốc gia đồng loạt bác cáo buộc của Mỹ và đồng minh, sau khi bị quy hỗ trợ chiến dịch tin tặc toàn cầu.

Các cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU), Na Uy, Canada, Anh, New Zealand và Mỹ đã chỉ trích cáo buộc rằng Bắc Kinh đứng sau các hoạt động tấn công mạng toàn cầu là một âm mưu chính trị “vô căn cứ”.
Trụ sở Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ. Ảnh: Xinhua
Trong tuyên bố đưa ra ngày 20/7, phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại EU cho biết: “Một quốc gia nào đó ở phương Tây” đã lạm dụng lợi thế công nghệ của mình trong nhiều năm, song không nêu tên Mỹ.
Cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc tại EU nói rằng Trung Quốc là nạn nhân chính của các cuộc tấn công mạng. Cơ quan này trích dẫn báo cáo chính thức năm 2020 nêu rõ khoảng 5,31 triệu máy chủ của Trung Quốc đã bị kiểm soát bởi khoảng 52.000 máy chủ ở nước ngoài, gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc, cũng như cuộc sống của người dân.
Theo tuyên bố của cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại EU, Bắc Kinh kêu gọi các quốc gia liên quan tuân thủ những chuẩn mực quốc tế về không gian mạng, thực hiện các biện pháp cụ thể để điều tra và ngăn chặn các hoạt động độc hại trên không gian mạng.
Các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Na Uy, Canada, Anh, New Zealand và Mỹ cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington gọi những cáo buộc của Mỹ và các đồng minh về việc Bắc Kinh hỗ trợ hoạt động gián điệp mạng là vô trách nhiệm, thiếu thiện chí và thiếu bằng chứng.
"Chính phủ Trung Quốc và các nhân viên có liên quan không bao giờ tham gia vào những cuộc tấn công mạng hoặc hoạt động gián điệp", người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Liu Pengyu nói
Theo CGTN, Đại sứ quán Trung Quốc tại Na Uy nói rằng Oslo bất ngờ tuyên bố vụ tấn công mạng hồi tháng 3 vào hệ thống email của Storting bắt nguồn từ Trung Quốc, mà không liên lạc trước để xác minh thông tin liên quan với phía Bắc Kinh. "Trong khi đó, một nhóm các quốc gia và tổ chức phương Tây cũng đưa ra cáo buộc liên quan an ninh mạng nhằm vào Trung Quốc. Có lý do để đặt câu hỏi và nghi ngờ liệu đây có phải hành động thao túng chính trị hay không", Đại sứ quán Trung Quốc tại Na Uy cho biết, đồng thời yêu cầu phía Na Uy cung cấp bằng chứng.
Phản ứng đồng loạt của Trung Quốc được đưa ra sau khi Mỹ cùng các đồng minh gồm NATO, EU, Anh, Australia, Nhật Bản, New Zealand và Canada cùng lên tiếng quy trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công mạng lớn thuộc về cơ quan chính phủ Trung Quốc.
Ngày 19/7, Australia ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các hoạt động độc hại trên mạng của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ hôm 19/7 cũng cáo buộc "các tin tặc có liên hệ với Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc" đứng sau vụ xâm nhập máy chủ email Exchange của Microsoft được công bố hồi tháng 3.
Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, họ đã buộc tội 4 người Trung Quốc đại lục thành lập công ty làm bình phong - Hainan Xiandun Technology Development - để thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào người dùng ở 12 quốc gia.