Trung Quốc phản ứng thế nào khi bị Canada “tố” bắt giữ 13 công dân sau vụ Huawei?

Nguyễn Phương (Theo SCMP, Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc Liu Zhenyu khẳng định Bắc Kinh đang tuân theo luật pháp và bảo vệ quyền của 13 công dân Canada bị bắt giữ tại Trung Quốc.

Phát biểu tại buổi họp báo của Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 4/1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Liu Zhenyu khẳng định rằng Trung Quốc là quốc gia pháp trị, đối với việc công dân nước ngoài bị bắt giữ tại Trung Quốc, nước này đều căn cứ theo luật pháp liên quan, đồng thời trong quá trình xử lý cũng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị bắt giữ.
 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Liu Zhenyu. 
Cùng ngày, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Lục Khảng đã đưa ra thông tin chính thức về việc báo chí Canada cho rằng Trung Quốc bắt giữ 13 công dân Canada kể từ hôm 1/12/2018 đến nay.
Tại buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng nhấn mạnh rằng Trung Quốc là quốc gia pháp trị, và Trung Quốc có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nước ngoài tại nước này theo quy định của pháp luật.
Ông Lục Khảng nói thêm rằng Chính phủ Trung Quốc khẳng định không có mối liên quan giữa các vụ bắt giữ bất kỳ một công dân Canada nào với vụ việc Giám đốc tài chính tập đoàn (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Vancouver hồi tháng 12 năm ngoái.
Những diễn biến mới này được đưa ra giữa lúc quan hệ ngoại giao Bắc Kinh và Ottawa gia tăng căng thẳng sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ.
Trước đó, chính phủ Canada ngày 3/1 cho biết 13 công dân nước này đã bị bắt giữ tại Trung Quốc kể từ khi Giám đốc Tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ tại Vancouver hôm 1/12/2018 theo yêu cầu của Mỹ.
Thông báo của Chính phủ Canada cho biết, ít nhất 8 người trong số 13 người nói trên đã được thả tự do. Thông báo của Chính phủ Canada không tiết lộ danh tính của những người khác đã bị Trung Quốc bắt giữ.
Tính tới thời điểm này, chỉ có 3 vụ bắt giữ các công dân Canada - gồm cựu cán bộ ngoại giao Michael Kovrig, doanh nhân Michael Spavor  và giáo viên Sarah McIver tại Trung Quốc được công khai.
Công dân McIver, dạy tiếng Anh tại Trung Quốc, bị Bắc Kinh bắt giữ trong tháng 12/2018, là một trong số 8 người đã được trả tự do. Bà McIver đã quay lại Canada. Hai ông Kovrig và Spavor vẫn bị giam giữ tại Trung Quốc.
Trong diễn biến mới nhất, Công tố viên hàng đầu của Trung Quốc ngày 3/1 tuyên bố cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor đã vi phạm pháp luật “mười mươi”.
 Doanh nhân Michael Spavor hiện đang bị giam giữ tại Trung Quốc.
Giới chức tại Bắc Kinh đã thông báo hai công dân Canada gồm ông Kovrig và Spavor là những đối tượng bị tình nghi đe dọa an ninh nhà nước Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía Ottawa không cung cấp thông tin chi tiết về việc những người được thả có vướng bất cứ cáo buộc nào hay không.
Chính phủ Canada nhiều lần bác bỏ việc liên quan giữa sự việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt với các vụ bắt công dân Canada kể trên.
Tuy vậy, giới phân tích Phương Tây vẫn cho rằng đây dường như là động thái trả đũa của Bắc Kinh.
Bà Mạnh Vãn Chu đã được tại ngoại ngày 11/12 với khoản bảo lãnh 10 triệu CAD (tương đương 7,5 triệu USD). CFO Huawei hiện đang bị giám sát an ninh bằng thiết bị định vị GPS 24/24 và phải đối diện với việc bị dẫn độ sang Mỹ xét xử.