Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc phát hiện được kháng thể vô hiệu hóa tất cả biến chủng của Covid-19

Nguyễn Phương (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà khoa học Trung Quốc vừa thông báo họ đã phân lập một kháng thể có thể vô hiệu hóa một cách hiệu quả tất cả biến thể của virus SARS-CoV-2.

Kênh RT của Nga ngày 1/12 cho biết, trong một nghiên cứu được xuất bản hôm 30/11, các nhà khoa học Trung Quốc đến từ trường đại học Sun Yat-sen (tỉnh Quảng Châu) và trường đại học Zhejiang (tỉnh Hàng Châu) nói rằng họ có thể đã phát triển được thuốc kháng mọi biến thể của Covid-19.
 Trung Quốc tuyên bố phát hiện kháng thể vô hiệu hóa tất cả biến thể SARS-CoV-2. Ảnh: Reuters
Theo các nhà khoa học này, kháng thể đơn dòng 35B5 được xem xét ở cả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm lẫn trên cơ thể sống có thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 gốc (không có đột biến) cũng như các biến thể đáng lo ngại. Việc thử nghiệm trên cơ thể sống được tiến hành trên chuột nhân hóa.
Theo đó, kháng thể 35B5 đã mang lại hiệu quả đối với biến thể Delta vốn có rất nhiều đột biến. Đây chính là biến thể gây ra làn sóng dịch Covid-19 nghiêm trọng trên khắp thế giới kể từ khi phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào đầu năm nay.
Các nhà khoa học Trung Quốc giải thích thêm rằng kháng thể 35B5 nhắm mục tiêu vào phần duy nhất của virus SARS-CoV-2 không thay đổi trong quá trình đột biến. Nhờ đó, kháng thể này có hiệu quả đối với tất cả biến chủng của virus SARS-CoV-2. Họ cũng nhấn mạnh rằng việc phân lập được kháng thể này góp phần chế tạo vaccine ngừa Covid-19 có tác dụng tổng quát trong tương lai.
Đặc biệt, một phần kháng nguyên bị kháng thể 35B5 nhắm mục tiêu cũng được tìm thấy trên biến thể Omicron.
Nghiên cứu trên của các nhà khoa học Trung Quốc được đánh giá vô cùng quan trọng trong bối cảnh biến thể Omicron gây lo ngại vì chứa nhiều đột biến hơn biến thể Delta.
Trước đó, hôm 30/11, ông Stéphane Bancel - Giám đốc điều hành (CEO) hãng dược phẩm Mỹ Moderna, cho biết vaccine hiện tại giảm hiệu quả trước biến thể Omicron so với các biến thể trước đây, như biến thể Delta. CEO Bancel nói rằng với số lượng đột biến trên protein gai cao hơn nhiều so với biến thể Delta (Omicron có 43 đột biến trong khi Delta có 18), các loại vaccine hiện tại cần được nâng cấp vào năm tới.
Hiện nay, khoảng 20 nước trên thế giới đã phát hiện các ca nhiễm Omicron như Nam Phi, Bỉ, Hà Lan, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Israel…
Trong khi đó, hãng tin Reuters ngày 1/12 cho biết Omicron đang nhanh chóng trở thành biến thể chiếm đa số ca nhiễm mới ở Nam Phi chỉ chưa đầy bốn tuần sau khi được phát hiện lần đầu tiên ở quốc gia này. Theo đó, số ca nhiễm mới được ghi nhận ở quốc gia này đã tăng gấp đôi chỉ từ ngày 30/11 sang ngày 1/12. Biến thể Omicron lần đầu tiên được tìm thấy trong một mẫu xét nghiệm được lấy vào ngày 8/1 ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất của Nam Phi.
Cũng trong ngày 1/12, bà Maria Van Kerkhove, Giám đốc kỹ thuật chương trình ứng phó khẩn cấp Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố rằng dữ liệu về khả năng lây nhiễm của biến thể mới này sẽ có "trong vòng vài ngày tới".
Sự xuất hiện của Omicron cũng như thông tin cho rằng biến thể này có thể dễ lây lan hơn các biến thể trước đó đã gây sự hỗn loạn toàn cầu khi các quốc gia lần lượt áp đặt lệnh hạn chế đi lại với các nước châu Phi.
Biến thể mới còn khiến thị trường tài chính khắp nơi chao đảo và làm dấy lên nỗi lo ngại rằng biến thể Omicron, cũng như các biện pháp phòng chống biến thể này, có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế thế giới./.