Trong thời gian này, Trung Quốc chuẩn bị chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Hàng Châu. Đây được xem là cơ hội quan trọng chính quyền Bắc Kinh củng cố vị thế của Trung Quốc như một quyền lực toàn cầu.
Các học giả nhận định, sau G20, Trung Quốc sẽ có nhiều động thái nhằm chiếm đóng trái phép bãi cạn Scarborough. |
Tuy nhiên, trong thời điểm chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, Bắc Kinh có “xích mích” với gần như hầu hết các quốc gia trên thế giới. Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc dường như đang tức giận với hầu hết mọi quốc gia. Trong đó, vấn đề Biển Đông - “xích mích” giữa Bắc Kinh và Washington cùng với mâu thuẫn xung quanh hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc được dự đoán sẽ là nội dung “nóng” trên bàn nghị sự. Bên cạnh đó, cường quốc số 2 thế giới cũng đang có căng thẳng âm ỉ với Australia về quyết định từ chối bán mạng lưới điện Ausgrid trị giá 7,7 tỷ USD cho 2 công ty Trung Quốc. Vì vậy, một nhà ngoại giao yêu cầu giấu tên nhận định, trong bối cảnh hòa bình khu vực là chủ đề chính trong hội nghị G20 được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc sẽ kiềm chế hơn trong hoạt động xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Cũng theo nhà bình luận này, Bắc Kinh sẽ không muốn mạo hiểm để làm trầm trọng thêm những căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh G20 uy tín. Nhưng về dài hạn, theo các chuyên gia, diễn biến tiếp theo, Trung Quốc có thể tăng cường các động thái khiêu khích nhằm chiếm bãi cạn Scarborough (thuộc chủ quyền Philippines mà Trung Quốc đã đánh chiếm phi pháp hồi 2012) - một trong những thực thể then chốt trong tranh chấp tại khu vực Biển Đông.