Trung Quốc thúc đẩy chiến lược y tế mới nhằm ngăn chặn khủng hoảng béo phì
Kinhtedothi - Đây được xem là bước đi mới nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát một số bệnh mãn tính như tiểu đường và rối loạn tim mạch – hệ lụy nghiêm trọng do béo phì gây ra cho sức khỏe người dân nước này.
Trung Quốc đang triển khai một chiến lược y tế mới nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng béo phì đang gia tăng nhanh chóng – nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh mãn tính nghiêm trọng như tiểu đường, tim mạch và rối loạn chuyển hóa. Đây được xem là bước đi quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời giảm tải cho hệ thống y tế quốc gia.
Theo thông báo mới của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), các bệnh viện đủ điều kiện trên cả nước đang được khuyến khích mở rộng hoặc thành lập thêm các phòng khám chuyên về quản lý cân nặng. Cụ thể, các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh sẽ triển khai dịch vụ quản lý cân nặng cho bệnh nhân nội trú, trong khi các cơ sở y tế tuyến cơ sở đảm nhiệm vai trò tư vấn, giáo dục sức khỏe, theo dõi chỉ số cơ thể và cải thiện quy trình chuyển tuyến nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

Mọi người tập thể dục tại một công viên ở Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc, ngày 8/ 8/2024. Ảnh: Xinhua
Điểm đáng chú ý là Trung Quốc đang thúc đẩy việc tích hợp công nghệ hiện đại vào chăm sóc sức khỏe, bao gồm internet y tế, trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị đeo thông minh. Các dịch vụ sẽ được cá nhân hóa tùy theo nhóm đối tượng cụ thể như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, nhằm tăng hiệu quả giám sát và can thiệp sớm.
Chương trình này là một phần trong kế hoạch y tế cộng đồng quy mô toàn quốc, dự kiến sẽ được triển khai đồng loạt tại tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa, bệnh viện nhi và bệnh viện y học cổ truyền thuộc quyền quản lý của NHC và Cục Quản lý Y học cổ truyền Trung Quốc.
Vấn đề béo phì tại Trung Quốc từ lâu đã được cảnh báo là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Ước tính đến năm 2030, chi phí điều trị các bệnh liên quan đến béo phì có thể chiếm tới 22% tổng ngân sách y tế quốc gia, đặt ra áp lực lớn về tài chính và nhân lực cho ngành y tế. Đây được xem là một trong những thách thức sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà quốc gia này phải đối mặt trong thập kỷ tới.
Trước đó, Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách mạnh tay nhằm kiểm soát tình trạng thừa cân, trong đó có việc phê duyệt sử dụng thuốc giảm cân Wegovy do Đan Mạch sản xuất. Ngoài ra, từ năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi xướng kế hoạch "Trung Quốc khỏe mạnh đến năm 2030" (Healthy China 2030 – HC2030), trong đó khẳng định sức khỏe toàn dân là nền tảng cốt lõi cho sự phát triển kinh tế – xã hội dài hạn.
Đọc thêm: Béo phì đang tăng nhanh tại Trung Quốc
Việc mở rộng mạng lưới phòng khám quản lý cân nặng không chỉ mang ý nghĩa y tế mà còn là bước tiến về quản trị hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thành công của chương trình này vẫn phụ thuộc lớn vào nhận thức của người dân, cũng như sự phối hợp giữa ngành y tế, giáo dục và truyền thông trong việc thay đổi thói quen sống và hành vi sức khỏe của toàn xã hội.

Trung Quốc đổi ý, tạm hoãn thương vụ TikTok với Mỹ do căng thẳng thuế quan
Kinhtedothi - Trung Quốc cho biết sẽ không phê duyệt thỏa thuận tách riêng hoạt động của TikTok tại Mỹ, quyết định được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế mới nhằm vào nước này.

Trung Quốc: lượng khách du lịch tăng đột biến dịp tết Thanh Minh
Kinhtedothi - Bắc Kinh dự kiến sẽ đón khoảng 84,5 triệu lượt khách trong suốt đợt cao điểm du lịch (từ ngày 3/4 đến ngày 7/4), trung bình 16,9 triệu lượt mỗi ngày.

Mỹ cân nhắc siết kiểm soát đối với doanh nghiệp Trung Quốc
Kinhtedothi - Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent, cho biết Washington đang xem xét khả năng hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi thị trường tài chính Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang.