Trong tuyên bố chung của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 ở Bangkok đưa ra ngày 31/7, các bộ trưởng ngoại giao cảnh báo rằng các sự cố liên tục ở Biển Đông đã làm xói mòn lòng tin và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN cũng kêu gọi các bên tránh làm tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo đất hay các sự cố nghiêm trọng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trong phiên khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 ở Bangkok hôm 31/7. |
"Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó các bộ trưởng bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực", tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN nêu rõ.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Những quan ngại của các ngoại trưởng ASEAN được đưa ra cùng ngày Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thông báo rằng Bắc Kinh đã đưa ra một dự thảo sơ bộ về bộ quy tắc ứng xử giữa hai bên nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ trên vùng biển tranh chấp.
Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng Trung Quốc sẽ đạt đồng thuận về bộ quy tắc ứng xử Biển Đông với ASEAN, bất chấp căng thẳng gia tăng.
"Tôi tin rằng tiến triển cho thấy Trung Quốc và các nước ASEAN có khả năng, sự khôn ngoan và sẽ đạt sự đồng thuận về COC", Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu sau vòng rà soát đầu tiên dự thảo đàm phán COC, bộ quy tắc có tính ràng buộc về pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc, hôm 31/7.
Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thừa nhận các bên liên quan có tranh chấp, nhưng ông vẫn lạc quan cho rằng COC "nhất định" sẽ đạt được đồng thuận trước thời hạn 3 năm tới. Phát biểu trong cuộc họp ngắn bên lề hội nghị ASEAN, ông Vương Nghị cho biết, Trung Quốc và ASEAN có thể hoàn toàn đạt được thỏa thuận COC.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng các nước ngoài khu vực không nên gieo rắc sự nghi ngờ giữa hai bên. "Sự ổn định ở Biển Đông phục vụ lợi ích chung của Trung Quốc và tất cả các quốc gia nhỏ khác", ông Vương Nghị khẳng định, và nói thêm rằng tình hình đã được cải thiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng thừa nhận "sự thật là giữa các nước liên quan có một số tranh chấp hàng hải lâu dài".
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.
Hoạt động này của Trung Quốc đã bị quan chức các nước Anh, Đức nêu quan ngại và Mỹ lên án là hành vi “bắt nạt”./.