KTĐT - Quả bóng golf của cậu in hình chú mèo máy Doraemon, do cha đặt làm đặc biệt là phần thưởng sau khi cậu đánh được một cú ăn một vào lỗ vài tháng trước.
Trong một xã hội đầy cạnh tranh, các ông bố bà mẹ Trung Quốc giàu có đang nỗ lực không ngừng chạy đua để đẩy con cái họ nổi bật lên trong đám đông.
Phóng viên BBC Michelle Tsai có bài viết về hiện tượng đặc biệt này.
Eddie Shi đến sân golf như thường lệ cùng với cha, người phiên dịch và huấn luyện viên. Cậu chỉ mới 8 tuổi.
"Vì sao một đứa trẻ Trung Quốc 8 tuổi như cháu lại thích chơi golf?"
"Vì đó là môn thể thao của các quý ông", Eddie không do dự trả lời.
Hàng tuần, Eddie và cha cậu, Shi Jian, lái xe ba giờ từ thành phố Thiên Tân đến sân golf để được thày dạy riêng. Vì các huấn luyện viên đều là người nước ngoài, Eddie sẽ học thêm được cả tiếng Anh trong khi cải thiện những cú vung tay golf của mình.
Quả bóng golf của cậu in hình chú mèo máy Doraemon, do cha đặt làm đặc biệt là phần thưởng sau khi cậu đánh được một cú ăn một vào lỗ vài tháng trước. Thứ bảy này, Eddie sẽ luyện tập với việc hớt bóng. "Nhắm vào cái đánh dấu vị trí bóng", huấn luyện viên người Australia của cậu nói.
Eddie đã chơi golf từ khi cậu 4 tuổi và đến sân tập hầu như mọi buổi tối sau khi xong bài tập về nhà.
Khi Shi Jian còn nhỏ, ông thường chơi bóng đá với bọn trẻ hàng xóm. Còn bây giờ, do ít trẻ con hơn - kết quả của chính sách một con của Trung Quốc- khó mà tập hợp đủ hai đội bóng, Shi đùa.
Eddie không chỉ được luyện êề golf. Cậu bé còn có các gia sư dạy đánh trống jazz, toán và tiếng Anh. Nhưng bố mẹ hy vọng golf sẽ là sự khác biệt lớn nhất trong cuộc đời cậu, giúp xua đi định kiến rằng người Trung Quốc thì không biết thế nào là vui chơi tận hưởng.
"Tương lai của Trung Quốc sẽ mang tính quốc tế", Shi Jian nói. "Nếu trong tương lai Eddie có đến Mỹ thì nó cũng có nhiều thứ hơn để nói chuyện với bạn bè ở đó".
Chi phí cho việc trang bị các kỹ năng cho Eddie không hề rẻ. Ở Học viện golf SGA, một khóa huấn luyện riêng 10 giờ trị giá 10.000 nhân dân tệ (gần 1.500 USD) - ngang với hai phần ba lương của một công nhân thành thị trung bình trong một năm.
Khi được hỏi cái gì khó nhất trong môn golf, Eddie trả lời rất chuyên nghiệp: "hố cát", rồi cậu chạy đi chơi điện tử. Đấy là lần đầu tiên trong cả buổi trưa hôm đó Eddie có vẻ giống một đứa trẻ bình thường.
Ở một khu vực khác tại ngoại ô Bắc Kinh, nơi những mảnh đất ruộng vẫn tồn tại bên cạnh các trường quốc tế và nhà cửa của người giàu, vào cuối tuần các em nhỏ thường đến đây để tham gia câu lạc bộ cưỡi ngựa quốc tế Equuleus.
Bên ngoài, dọc hai bên đường là cảnh bán trái cây và rau nhưng khung cảnh bên trong câu lạc bộ thì như một trường nội trú. Các kỵ sĩ nhỏ tuổi ngồi trên lưng ngựa và các bậc phụ huynh dõi theo với ánh mắt đầy tự hào.
Một cậu bé, có vẻ như còn quá nhỏ, chẳng làm gì cả và dường như chỉ học cách ngồi yên trên lưng con ngựa. Một cô bé 12 tuổi đang chuẩn bị về nhà sau buổi học đi nước kiệu. Ở cô bé toát ra hình ảnh của một nữ kỵ sĩ thanh nhã: tay cầm roi da, mái tóc dài được vén lên chiếc mũ kỵ binh và hai má đỏ hồng vì lạnh.
Mẹ bé tên là Su Lin, là một nhân viên chính phủ. Bà liến thoắng khoe về cô con gái. "Bé bơi được 4 kiểu, có dáng đi hoàn hảo, tập quyền và nghiên cứu sách về nghi thức ứng xử và nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản", bà tiết lộ.
Bà mẹ cho biết những kỹ năng này sẽ giúp con gái bà tiến xa và thậm chí có thể bảo đảm cho con bé lấy được một người chồng thành đạt một ngày nào đó.
Dù tự hào về con như thế, bà Su cũng thừa nhận mọi người đang phải chạy đua trong một cái vòng luẩn quẩn. "Có quá nhiều người ở Trung Quốc. Không gian sống thì quá ít và mọi người đều muốn tiến về phía trước. Tất cả đều cố gắng cật lực hơn, và điều đó chỉ làm cho cuộc cạnh tranh thêm tồi tệ", bà nói.
"Thế khi còn nhỏ, bà thường làm gì?"
"Chẳng làm gì cả", bà mẹ trả lời. "Tôi chỉ có học".