Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc tuyên bố sẽ “chạy đua” để đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ

Nguễn Phương (Theo SCMP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ và Trung Quốc kết thúc 2 ngày đối thoại “xây dựng” tại Bắc Kinh hôm 29/3, và sẽ nối lại các cuộc thảo luận tại Washinton vào tuần sau.

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung đạt tiến triến tích cực
Sau vòng đàm phán mới nhất tại Bắc Kinh nhằm giải quyết cuộc chiến thuế quan gây nhiều tổn hại, Nhà Trắng đưa ra một tuyên bố rằng cả hai "đã tiếp tục đạt được tiến bộ trong các cuộc thảo luận thẳng thắn và có tính xây dựng về các cuộc đàm phán và các bước quan trọng tiếp theo".
Trong khi đó, hãng tin Xinhua của Trung Quốc cho biết hai bên "đã tổ chức các cuộc thảo luận về văn bản thỏa thuận và đạt được tiến bộ mới".
 Đoàn đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc chụp ảnh kỷ niệm tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP
Viết trên trang Twitter của mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói mong được chào đón Phó Thủ tướng Lưu Hạc – trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc tới Mỹ vào tuần tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hai nước đã gần với một thỏa thuận, nhưng vẫn có thông tin cho rằng tồn tại sự khác biệt về cơ chế thực thi giữa hai bên, gồm việc giải quyết các khiếu nại của Mỹ liên quan đến hoạt động thương mại không công bằng và trộm cắp công nghệ.
Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 29/3 tuyên bố các nhà đàm phán Mỹ đang đạt được "tiến triển lớn" với Trung Quốc. Phát biểu với kênh truyền hình CNBC sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer lên đường về nước từ Bắc Kinh, Cố vấn Larry Kudlow nêu rõ: "Chúng tôi vẫn đang đạt được những tiến triển lớn, bao gồm cả trong những cuộc đàm phán này. Thông điệp cuối cùng mà chúng tôi có được là họ đã đạt được nhiều tiến triển hơn nữa".
 Trung Quốc cảnh báo sẽ không “chớp mắt trước”
Sau khi kết thúc vòng đàm phán mới nhất tại Bắc Kinh, tờ Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của Bắc Kinh, đã xuất bản hai bài bình luận về chủ đề này vào 29/3, cả hai đều cảnh báo Trung Quốc sẽ không "chớp mắt trước" và sẽ chạy đua để đạt được thỏa thuận vì lợi ích của họ.
Một bài bình luận nêu rõ:"Trong giai đoạn hiện tại của các cuộc đàm phán, chúng ta phải có 'tư duy kết quả cuối cùng', và sẵn sàng với trường hợp không đạt được thỏa thuận. Nếu chúng ta đạt thỏa thuận sẽ rất tốt, song không cần thiết phải ép buộc việc này".
"Chúng tôi tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ ký một thỏa thuận có thể đáp ứng sự giám sát của người dân, và sẽ không chấp thuận một điều gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích lâu dài của chúng tôi", bài bình luận khác viết.
 Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc bắt tay Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, đứng bên cạnh là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh:AFP
Trước đó, hôm 28/3, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói vẫn còn một số lượng lớn công việc phải thực hiện.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, nói trước cuộc hội đàm hôm 28/3 rằng, các cuộc đàm phán không giới hạn thời gian và có thể kéo dài hàng tuần, hoặc thậm chí hàng tháng, nếu cần thiết. "Chúng tôi phải xem khả năng tốt nhất là gì và chúng tôi sẽ không từ bỏ lợi thế của mình", ông Kudlow nói với Bloomberg, nói thêm rằng một số loại thuế sẽ được giữ lại.
Zhang Zhexin, chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói mặc dù các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh kéo dài chưa đầy hai ngày, nhưng có đủ thời gian để giải quyết tất cả các vấn đề chính. Theo chuyên gia Zhang Zhexin, điều này cho thấy cả hai phái đoàn đã được trao đề nghị tốt nhất có thể trong các cuộc đàm phán và, trong khi vẫn có sự khác biệt sâu sắc, có vẻ như họ đã cam kết đạt được một thỏa thuận.
"(Chuyến thăm sắp tới của ông Lưu Hạc sẽ chỉ là một bước nhỏ tiếp theo của cuộc chiến, tùy thuộc vào mức độ các nhà lãnh đạo từ cả hai phía có thể thuyết phục các thành phần trong nước và các bên liên quan như thế nào", ông Zhang nói.
Mỹ - Trung nhất trí một thỏa thuận đình chiến trong cuộc chiến thương mại sau cuộc gặp cuối cùng của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch   Tập Cận Bình vào đầu tháng 12/2018.
Mặc dù Washington đồng ý gia hạn để tăng thuế đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, tuần trước ông Trump đã đề xuất rằng một số mức thuế nên được giữ nguyên ngay cả sau khi thỏa thuận được ký kết để đảm bảo Trung Quốc thực hiện đúng thỏa thuận.
Bắc Kinh đã thực hiện một số biện pháp để giải quyết các mối quan ngại của Mỹ, bao gồm thông qua luật đầu tư nước ngoài hồi đầu tháng 3 và đồng ý mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Một thỏa thuận thương mại, nếu đạt được, dự kiến sẽ làm tăng đáng kể nhập khẩu hàng hóa Mỹ vào Trung Quốc, giúp giảm thâm hụt thương mại - đạt mức kỷ lục 419,2 tỷ USD vào năm 2018.
Zhou Xiaochuan, cựu thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết những tín hiệu gần đây từ các cuộc đàm phán đang diễn ra đã trở nên tích cực hơn.
Phát biểu phóng viên tại Diễn đàn Boao ở Hải Nam vào 29/3, ông cho biết: "Nếu đàm phán thương mại không thể đạt được kết quả tốt, điều đó sẽ tạo ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế Trung Quốc, cho nền kinh tế Mỹ và cho nền kinh tế toàn cầu".