Trên những con phố ở thị trấn An Huy, thuộc một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc xuất hiện nhiều hoạt động kinh doanh đa dạng đan xen. Những cửa hàng bán vật liệu cây trồng, phân bón san sát cạnh nơi bán dụng cụ, máy móc cùng một vài nhà hàng, khách sạn. Đâu đó thấp thoáng những cửa hàng bày bán iPhone, iPad trong những chiếc lồng kính sáng bóng. Cảnh tượng mà theo The Economist cho thấy những vùng nông thôn Trung Quốc nơi từng bị phủ bóng bởi các TP lớn đang dần thoát khỏi nghèo đói. Tuy nhiên, điều đó chỉ cho thấy vấn đề bất cân bằng thu nhập của Trung Quốc mới thuyên giảm bước đầu. Theo dõi hệ số Gini, vốn được coi là công cụ đo lường sự cân bằng thu nhập, có thể cho thấy điều này. Nằm trong khoảng từ 0 (mức thu nhập hoàn toàn cân bằng) tới 1 (mức chênh lệch thu nhập đỉnh cao), hệ số này của Trung Quốc đã tăng mạnh từ 0,3 trong thập niên 1980 lên 0,5 trong năm 2016. Mấu chốt trong vấn đề là sự chênh lệch thu nhập quá lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị của Trung Quốc. Chính quyền đã và đang nỗ lực giảm thiểu điều này bằng việc đưa ra những chính sách định cư ngặt nghèo ở các thành phố lớn. May mắn rằng, dân số lao động tại Trung Quốc cũng đang có xu hướng thuyên giảm, khiến tầng lớp lao động "cổ cồn xanh" tập trung nhiều ở các khu vực nông thôn được chú trọng và ưu đãi hơn. Cùng với đó, làn sóng chống tham nhũng kể từ sau chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng đã khiến lượng lớn tầng lớp nhà giàu tại đây giảm đáng kể hoặc "lui vào bóng tối". Tuy nhiên, hệ số Gini dù đã có xu hướng giảm nhẹ trong vài năm gần đây, vẫn duy trì ở mức cao. Theo một báo cáo Đại học Peking đưa ra đầu năm nay, Trung Quốc là quốc gia có mức chênh lệch thu nhập lớn nhất thế giới khi 1% người giàu nhất nước sở hữu tới 1/3 tài sản của quốc gia có số dân đông nhất thế giới này. Nếu chính quyền Bắc Kinh không tập trung đầu tư hơn vào khu vực nông thôn, bất cân bằng thu nhập sẽ tiếp tục gây phiền nhiễu cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.