Ông Alan Peter Cayetano cho biết, một số quốc gia mong muốn COC sẽ có tính ràng buộc pháp lý nhưng giới chức Trung Quốc chỉ muốn sử dụng từ “có tính ràng buộc”. Do vậy, các bên nhận ra rằng, tốt hơn là nên bỏ qua những khái niệm này ở bộ khung và tiếp tục bàn bạc.
Từ trái qua: Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Tổng thống Philippines Duterte. |
Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc đã hoan nghênh việc thông qua bộ khung COC hôm Chủ Nhật là một bước tiến trong việc ngăn ngừa các tranh chấp. Ngoại trưởng Philippines cho rằng, bộ khung cho thấy sự hợp tác giữa các nước.
“Các bên đều sẵn sàng đàm phán”, Ngoại trưởng Philippines nói thêm.
ASEAN từ lâu đã muốn ký kết với Trung Quốc một bộ quy tắc có tính pháp lý nhằm ngăn chặn các tranh chấp và tránh xung đột quân sự trên biển.
Bộ khung COC mới chỉ là các hướng dẫn về việc ban hành các quy tắc nhưng một số chuyên gia cho rằng, việc không đưa ra điều khoản ràng buộc pháp lý dẫn đến nghi ngại về tính hiệu quả của COC.
Ngoại trưởng các nước Mỹ, Nhật và Australia hôm 7/8 đã thúc giục các nướ ASEAN và Trung Quốc đảm bảo bộ quy tắc ứng xử có giá trị pháp lý, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 6/8 cho rằng, vẫn còn quá sớm để thảo luận về các thành tố của COC, nhưng bất cứ điều gì được nhất trí đều phải được thực thi.