TP Hồ Chí Minh:

Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè tiếp tục nhận trẻ khuyết tật

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước đó, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) ra thông báo không nhận trẻ khuyết tật trên 15 tuổi từ ngày 31/8, khiến nhiều bậc cha mẹ có con khuyết tật lo lắng.

Chiều 31/8, tại buổi họp báo do Trung tâm Báo chí tổ chức nhằm cung cấp tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP đã trả lời một vấn đề được dư luận khá quan tâm là Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (Trung tâm - PV) ra thông báo không nhận trẻ khuyết tật trên 15 tuổi, từ ngày 31/8.

Việc Trung tâm ra thông báo nêu trên khiến nhiều phụ huynh không khỏi bỡ ngỡ vì họ đã gửi con bị khuyết tật vào đây đã hơn 10 năm và các bé đã quen với môi trường của trung tâm, chưa kể tâm lý của trẻ dù trên 15 tuổi nhưng vẫn như những đứa trẻ 3-4 tuổi, khó hòa nhập cộng đồng.

Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè đã tiếp nhận lại trẻ khuyết tật từ 16 tuổi trở lên.  
Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè đã tiếp nhận lại trẻ khuyết tật từ 16 tuổi trở lên.  

Bà Huỳnh Lê Như Trang thông tin, Trung tâm được thành lập theo quyết định 6752/QĐ-UB-NCVX ngày 16/9/1995 của UBND TP về việc hợp nhất 2 đơn vị: Nhà nuôi trẻ mầm non 6 và Trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt thành “Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè” thuộc Sở LĐTB&XH. Đến ngày 17/5/2005, Chủ tịch UBND TP có quyết định 2373/QĐ-UB bổ sung nhiệm vụ cho Trung tâm. Trong đó có nhiệm vụ: Được tổ chức dịch vụ nuôi dưỡng trẻ tàn tật đối với diện trẻ có gia đình mà gia đình có nhu cầu cho trẻ bán trú tại Trung tâm. Do đó, việc Trung tâm có thông báo không nhận trẻ trên 15 tuổi là căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các em sớm ổn định chỗ học trong năm học 2023-2024, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn và chủ trương “để không ai bị bỏ lại phía sau” của TP, Sở LĐTB&XH đã có công văn 19470/SLĐTBXH-XH ngày 24/8, báo cáo công tác tiếp nhận đối tượng bán trú tại Trung tâm, trong đó đề xuất cho phép Trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc bán trú cho người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên đối với các trường hợp gia đình có nhu cầu cho người khuyết tật học bán trú tại Trung tâm và được UBND TP chấp thuận tại công văn 4150/UBND-VX ngày 28/8.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP, Trung tâm sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ chăm sóc bán trú cho người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên đối với các trường hợp gia đình có nhu cầu cho người khuyết tật học bán trú tại đây.

Cũng theo bà Huỳnh Lê Như Trang, khu bán trú thuộc Trung tâm hoạt động từ năm 1997 đến nay, và đây là mô hình duy nhất tại Cơ sở bảo trợ xã hội công lập ở TP Hồ Chí Minh được sự tin tưởng, đánh giá khá tốt của phụ huynh. Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH cũng có Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm TP hướng đến việc giáo dục, dạy nghề cho người khuyết tật. TP luôn quan tâm đến xã hội hóa công tác giáo dục, chăm sóc người khuyết tật với sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp và cả khu vực ngoài Nhà nước.

Hiện nay, trên địa bàn TP cũng có hệ thống các trường chuyên biệt của ngành giáo dục, các dịch vụ chăm sóc người khuyết tật do tư nhân đầu tư…, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thân nhân người khuyết tật. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP tại công văn 4150/UBND-VX, Sở LĐTB&XH đã rà soát chức năng nhiệm vụ của các Trung tâm Bảo trợ xã hội công lập trực thuộc Sở để đề xuất phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị Bảo trợ xã hội phù hợp với nhu cầu thực tế công tác trợ giúp xã hội của TP.