Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa - Mái ấm của người khuyết tật

Quang Hùng - Ngọc Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với các học viên, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa là nơi các em tìm thấy niềm vui, hạnh phúc và tiếp thêm động lực để vượt lên số phận.

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ của thôn Thanh Oai (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội), trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa được nhiều người biết đến như là ngôi nhà đầy tình yêu thương của người khuyết tật. Được thành lập từ năm 2007, suốt 11 năm qua, cô Hoa cùng trung tâm của mình đã đón nhận, nuôi dưỡng, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hàng trăm người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn ở khắp mọi nơi trên cả nước.
 Cô Đoàn Thị Hoa – người thành lập Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa.
Mái nhà của mẹ Hoa

Hàng trăm bạn trẻ khuyết tật ở đây vẫn trìu mến gọi cô Đoàn Thị Hoa - Giám đốc trung tâm là u, là mẹ. Không chỉ bởi cô là người đã lập ra một mái nhà thứ 2 giúp họ thay đổi cuộc sống. Mà còn vì tấm lòng, sự tận tâm của người phụ nữ nhân hậu đã giành cho những mảnh đời bất hạnh.

Trò chuyện với cô Hoa trong một buổi chiều, mặc dù đã có hơn 10 năm điều hành trung tâm nhưng với cô, mọi thứ vẫn nhiệt huyết như ngày mới bắt đầu.

Bên khoảng sân nhỏ, cô say sưa kể về những ngày tháng cùng chồng gây dựng trung tâm dạy nghề từ thiện của mình: “Cô bắt đầu đi theo dạy học ở các lớp trẻ tình thương của Hội Từ thiện thành phố Hà Nội vào năm 2002. Khi đó, được tiếp xúc với các em, các cháu khuyết tật, cô thương lắm. Thế là đến tháng 6-2007, cô bàn với chồng, con dành khu đất của gia đình để xây nhà xưởng, nhà nội trú, thành lập trung tâm dạy nghề từ thiện mang tên Quỳnh Hoa để giúp đỡ các em nhỏ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Chỉ sau một thời gian ngắn, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa chính thức ra đời”.
 Từ năm 2010 đến nay, trung tâm thường xuyên có từ 30 – 40 em ăn ở nội trú và 20 đến 25 em ăn ở ngoại trú. 
Lúc mới thành lập, trung tâm gặp không ít khó khăn, trở ngại, cả về tài chính lẫn việc chăm sóc, tìm đầu ra cho sản phẩm của các em. Tuy nhiên suốt 11 năm qua, không một giây phút nào khiến cô Hoa nản chí hay muốn buông xuôi. Người phụ nữ giàu lòng nhân ái luôn coi học viên của mình như những đứa con ngoan trong nhà, chăm lo cho các em từ bữa ăn đến giấc ngủ, nhớ từng viên thuốc, từng vết thương, ... Tỉ mỉ tìm hiểu từng công việc, phân chia việc phù hợp rồi lại lọ mọ tìm đầu ra cho sản phẩm của các em.

Thời gian đầu một tay cô lo tất cả, vừa phải dạy lại phải vừa dỗ dành, sợ các em tủi thân, nản chí mà bỏ học. Giọng tự hào cô Hoa kể: “Các em biết rồi dạy lại cho người mới học. Nhờ thế cô cũng đỡ vất vả hơn, các em lại có dịp gắn bó, tìm hiểu nhau nhiều. Cách đây mấy năm, có bạn học xong còn ra mở cửa hàng riêng, nhận học viên của trung tâm về làm việc. Cô mừng lắm”.

Cứ thế, suốt 11 năm qua, hơn 500 em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn đã đến đây học tập, sinh sống và nên người. “Nhìn thấy các em, nhìn thấy nụ cười hồn nhiên của các em cô lại tự nhủ mình phải cố gắng, phải làm chỗ dựa vững chắc, giúp các em hòa nhập với cộng đồng”, Cô tâm sự.
 Những sản phẩm thủ công độc đáo chính là nguồn thu nhập chính cho trung tâm cũng như những người khuyết tật ở đây.
“Hạnh phúc mẹ chính là các con”

Xưởng làm việc của trung tâm Quỳnh Hoa là một không gian thoáng đãng, ngăn nắp, rộng khoảng 100 mét vuông với gần 40 bạn trẻ tàn tật đang tỉ mẩn làm việc. Các em là những mảnh đời đặc biệt, cùng tìm đến đây để nương tựa, để học nghề và tìm một niềm vui, hạnh phúc cho bản thân.

Trong căn phòng làm việc rộng, thoáng treo đầy những bằng khen, ảnh lưu niệm, các học viên ngồi chăm chú làm những bức tranh, con giống bằng giấy. Những bàn tay thoăn thoắt cuộn, dán giấy, lắp ghép những con gióng, những bức tranh vô cùng khéo léo. Có lẽ nếu không để ý kĩ, thật khó để nhận ra những khuyết tật trên cơ thể các em.

Chăm chú đan cài những bức tranh giấy, em Phương, 18 tuổi quê ở Nghệ An kể với chúng tôi em đã vào sống và học nghề dưới mái nhà này được nửa năm. Vì bị dị tật ở bên tay trái từ nhỏ nên đa số mọi hoạt động, kể cả những việc nặng nhọc Phương chỉ có thể thực hiện bằng tay phải. Em cho biết: “Quỳnh Hoa như ngôi nhà thứ 2 của em, mẹ Hoa và các anh chị giúp em cảm thấy rất vui, may mắn.”

Giải lao giữa giờ làm việc, trong khoảng sân rộng, người mẹ giàu lòng nhân ái ngồi tâm sự với các con của mình. Cô hỏi em này đỡ mệt chưa, nhắc em kia uống thuốc, em nọ trồng rau, khâu áo,... Những tiếng vâng, dạ vừa ngoan ngoãn vừa giản dị chứa chan tình yêu thương của những đứa trẻ có số phận khó khăn cho thấy tình cảm lớn lao các em dành cho người mẹ các em hằng biết ơn, yêu quý.
 
Trò chuyện với chúng tôi, cô kể: “Thành quả lớn nhất của trung tâm Quỳnh Hoa không chỉ là nâng cao kiến thức, trí tuệ mà còn là giúp người khuyết tật bớt đi mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng”. Đặc biệt, cô Hoa và trung tâm của mình còn tạo điều kiện, giúp đỡ nhiều người khuyết tật nên duyên vợ chồng. Cô luôn tự hào: “Trong hành trình 11 năm giúp đỡ các em, Quỳnh Hoa đã cùng gia đình các em tổ chức cho 38 em khuyết tật thành vợ chồng, đến nay nhiều nhà đã có những đứa con mạnh khỏe, kháu khỉnh, mang lại niềm vui to lớn cho bản thân, gia đình và mọi người trong Trung tâm. Đấy là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi”.

Khi chúng tôi hỏi cô về việc dừng lại, không tiếp tục chăm sóc, giúp đỡ các em nữa, nghĩ một lúc lâu, cô từ tốn trả lời: “Cũng có lúc cô nghĩ đến thời điểm bản thân sẽ dừng lại. Khi mình tuổi cao sức yếu, không thể tiếp tục chăm sóc các con, các cháu, lúc đó con gái cô sẽ thay tôi điều hành Trung tâm. Trung tâm từ thiện Quỳnh Hoa là sự kết hợp giữa tên của tôi và Quỳnh – con gái. Hạnh phúc của các con cũng chính là hạnh phúc của cô, trung tâm từ thiện Quỳnh Hoa là tâm huyết cả đời, phải duy trì mãi mãi”.

Nhìn lại chẳng đường 11 năm, tuy gặp nhiều khó khăn vất vả song cô Hoa luôn cảm thấy vui và rất tự hào vì đã đón nhận, nuôi dưỡng, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hàng trăm người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, góp được sức mình vào việc hỗ trợ - giáo dục những người thiệt thòi trong xã hội, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng, giúp giảm đỡ một phần gánh nặng cho gia đình và xã hội.