Ngọc Ân – 3 năm yêu thương và thấu hiểu
Những ngày này, hòa cùng không khí rộn ràng kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023) của cả nước, các cô giáo của Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý – giáo dục Ngọc Ân (Trung tâm Ngọc Ân) đã dành cho mình những phút giây hiếm hoi sau giờ làm việc để nhìn ngắm những bức ảnh đầy trân quý. Thời gian bất chợt như cuốn phim quay chậm, lật giở hành trình ra đời, phát triển của Ngọc Ân suốt 3 năm qua.
Còn nhớ, vào những ngày Hè nóng như đổ lửa, chị Đào Thanh Hoàn - người sáng lập Trung tâm Ngọc Ân tất bật đi qua đi lại Trung tâm giáo dục đặc biệt quốc gia để tìm hiểu các thủ tục thành lập một trung tâm nhỏ cho riêng mình, nói đúng hơn là cho cậu con trai mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ của chị. Hành trang của chị là tinh thần quyết tâm, khát vọng mạnh mẽ và tình thương lớn lao, những mong cậu con trai có một địa chỉ ấm áp để đến, để vui chơi và học tập trong niềm hạnh phúc, sự an toàn.
Tâm tư trên cũng là tâm can, là lời thúc giục của hàng vạn bà mẹ có hoàn cảnh giống chị. Từ thực tế bản thân, chị Hoàn biết rõ, trẻ tự kỷ cần gì; cha mẹ trẻ cần gì và đi sâu vào triển khai các lĩnh vực một cách đúng hướng.
Các cơ sở của Trung tâm Ngọc Ân
Cơ sở 1: Số 51, Liền kề 6, Khu đô thị An Hưng, Phường Dương Nội, Quận Hà Đông, TP Hà Nội (ĐT: 076 926 5656)
Cơ sở 2: Ngã 3 Ngọc Hồi, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội (ĐT: 079 526 5656)
Cơ sở 3: Số 42 Nguyễn Hoàng, khóm 7, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng trị (ĐT: 077 826 5656)
Cơ sở 4: Cơ sở Giáo dục Đặc biệt Đức Tâm - 19 Hồ Tùng Mậu, phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (ĐT: 078 826 5656)
Cơ sở 5: Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc - Số N008 LK41-42, Khu dịch vụ Dương Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội (ĐT: 078 726 5656).
Hiện Ngọc Ân chuẩn bị khai trương Cơ sở 6 tại TP Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt, đây là cơ sở giáo dục đặc biệt đầu tiên của Việt Nam tổ chức can thiêp cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt bằng tiếng Anh (dành cho các gia đình là Việt kiều, người nước ngoài).
Khi Ngọc Ân đi vào hoạt động tương đối ổn định, chị Hoàn nhìn rộng ra và thấy rằng: Hiện nhiều trẻ khuyết tật và tự kỷ khi kết thúc chương trình giáo dục tiểu học (giáo dục bắt buộc), không thể tiếp tục học lên bậc Trung học cơ sở, và càng khó học lên Trung học phổ thông. Chị bắt đầu nghĩ đến mô hình giáo dục đặc biệt toàn diện từ việc trẻ được can thiệp sớm, hỗ trợ giáo dục hoà nhập, rèn kỹ năng sống, thực nghiệm hướng nghiệp đến giải quyết việc làm, tạo thu nhập để các em có thể tham gia học tập suốt đời.
Nghĩ là làm, chị bắt tay vào triển khai “Mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỉ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hà Nội”. Chị Hoàn cho rằng, mô hình này là rất cần thiết, không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, vừa giúp các em khuyết tật và tự kỉ được học tập suốt đời, có cuộc sống, công việc trọn vẹn, vừa góp phần không nhỏ giải quyết gánh nặng cho gia đình và xã hội. Kể từ đây, Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc và các Cơ sở 2, 3, 4, 5 của Ngọc Ân lần lượt ra đời.
Hành trình 3 năm qua của Ngọc Ân được gọi là hành trình “Nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ, hành động nhanh”. Với những viên gạch đầu tiên, đến nay, Ngọc Ân đã, đang có nền móng vững chắc, là bến đỗ bình yên, tin cậy của trẻ tự kỷ, khuyết tật cũng như của gia đình các em.
Tâm tình của những giáo viên đặc biệt
Những hình ảnh gửi tham dự Cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc cùng Ngọc Ân thân yêu” của các giáo viên, nhân viên của Trung tâm Ngọc Ân đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Đó là sự chia sẻ khi chứng kiến nỗi nhọc nhằn, vất vả mà các cô trải qua hàng ngày; nhưng đó cũng là ý chí, nghị lực của các cô bởi dù khó khăn là vậy song vượt lên tất cả, các cô vẫn khát khao, vẫn mong ước, vẫn nguyện cống hiến vì con trẻ và cộng đồng.
Trong bức ảnh “Điều cô muốn nói” của cô giáo Nguyễn Thị Hà, Cơ sở 1 có nhắc lại kỷ niệm về một ngày đầy nắng - ngày đầu cô đến với Ngọc Ân. Trở thành nhân viên chính thức tại đây, cô Hà luôn dặn lòng mình phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, học tập rèn luyện tinh thần từng ngày để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các con, để đồng hành cùng các con trên mọi chặng đường và nhìn thấy các con khôn lớn, trưởng thành.
“Ngọc Ân mở ra cho tôi một con đường mới, con đường mà tôi có thể vừa thể hiện khả năng sáng tạo của bản thân vừa giúp đỡ được cho trẻ khuyết tật tự kỉ… Đến với Xưởng thực nghiệm Thiên Ngọc, tôi tự mình tham khảo, mò mẫm làm các sản phẩm oản nghệ thuật. Để rồi 3 năm sau, từ những kinh nghiệm được các cán bộ thực nghiệm dạy, học viên khuyết tật tự kỉ có thể tự lao động để trở thành người có ích và được làm việc, nhìn nhận khả năng lao động như những người lao động bình thường”, cô Nguyễn Thị Phương Oanh, Trưởng Trung tâm Ngọc Ân Cơ sở 5 tâm sự.
Học trò của cô Phương Oanh là rất nhiều học viên, trong đó có em Đỗ Văn Đạt, nhân viên hướng nghiệp tại Xưởng thực nghiệm Thiên Ngọc. Không chỉ học nghề, Đạt còn học được ở cô giáo của mình tinh thần nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Đạt cho biết, trong một lần đến Trung tâm Ngọc Ân tham quan mô hình, em đã rất hào hứng muốn học nghề hướng nghiệp đồ lễ ở đây nên đã về xin bố mẹ cho đi học. Nhờ sự hướng dẫn ân cần và hỗ trợ tích cực của các cô giáo, em đã có cơ hội học nghề, sau đó là làm việc ở Ngọc Ân.
“Nhà em ở rất xa nhưng Trung tâm Ngọc Ân đã hỗ trợ phương tiện cho em và các bạn trong quá trình đi lại. Hàng ngày, hai buổi sáng - chiều, các thầy cô lại đến tận nhà đón em cùng các bạn. Em rất hạnh phúc, rất tự hào khi được làm việc ở Ngọc Ân. Việc trở thành nhân viên và được nhận lương của Trung tâm giúp em có thể tự trang trải cho cuộc sống của mình”, Đạt trải lòng.
Với cô Dương Thanh Thùy, Trung tâm Ngọc Ân, Cơ sở 2 thì việc hàng ngày chứng kiến những thiệt thòi, khó khăn của các bạn nhỏ, cô càng thấy mình phải học hỏi nhiều hơn nữa, phải kiên trì, nhẫn nại và có lòng yêu thương các bạn nhỏ vô bờ bến để sự khác biệt của các bạn không phải là rào cản.
“Là giáo viên dạy trẻ đặc biệt, tôi không chỉ giảng dạy kiến thức đơn thuần bởi học sinh của tôi cần hỗ trợ những bữa ăn, giấc ngủ, kĩ năng tự phục vụ và rất nhiều kỹ năng mà giáo viên bình thường khó có thể làm được…. Thành quả là, đã có những học sinh của Ngọc Ân tiến bộ, được đi học hoà nhập với các bạn cùng trang lứa”, thầy giáo Diệu Lâm Anh, Cơ sở 4 tâm sự.
Qua nhiều câu chuyện, nhiều chia sẻ của các thầy, cô giáo tại Trung tâm Ngọc Ân, điều đọng lại sau cùng vẫn là tình cảm của các thầy cô dành cho Trung tâm và dành cho nhau. Các thầy cô luôn yêu thương, đoàn kết, coi Ngọc Ân như một mái nhà ấm áp. Tất cả điều đó sẽ tạo nên một Ngọc Ân uy tín, bền vững, tin cậy và tiếp tục phát triển trong tương lai.
Giải thưởng của Ngọc Ân
Trung tâm Ngọc Ân được thành lập từ năm 2020, với mong muốn “thắp sáng ước mơ” cho những người yếu thế trong xã hội, Trung tâm Ngọc Ân đã và đang tạo nên những giá trị tích cực cho cộng đồng, ngày càng được nhiều phụ huynh tin tưởng, yêu mến cũng như nhận được sự biểu dương khen thưởng của các cấp ban ngành.
Trong tháng 8/2023, chị Đào Thanh Hoàn - Nhà sáng lập trung tâm Ngọc Ân đã được vinh danh tại diễn đàn “Giao lưu văn hoá và kinh tế Việt Nam – Ấn Độ” diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ.
Ngày 28/9/2023 , chị Đào Thành Hoàn được hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội tôn vinh với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của Phụ nữ Thủ đô 2023.
Ngày 14/10/2023, Dự án của Trung tâm Ngọc Ân một lần nữa được vinh danh trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hà Nội năm 2023 và đạt giải Nhì trong tổng số 11 giải dành cho doanh nghiệp, cá nhân xuất sắc nhất.