Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung tâm Sản xuất - Dịch vụ của trường Đại học Dệt May Hà Nội: Đa dạng hóa thị trường khách hàng

Trần Oanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhiều DN phải giãn ca, thậm chí cho lao động nghỉ làm vì không có việc, thì tại Trung tâm Sản xuất - Dịch vụ của trường Đại học Dệt May Hà Nội, người lao động (NLĐ) phải làm việc tăng ca ngày Chủ nhật. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Hiệu trưởng Hoàng Xuân Hiệp về thị trường khách hàng.

Hiệu trưởng trường Đại học Dệt May Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp.
Thưa ông, hiện nay, nhiều DN dệt may đang rất lao đao vì dịch Covid -19. Còn DN của trường Đại học Dệt May Hà Nội có bị ảnh hưởng?
- Nhà trường có Trung tâm Sản xuất - Dịch vụ, hoạt động theo mô hình DN với 500 công nhân, chuyên sản xuất hàng thời trang quần áo. Hiện nay, hoạt động sản xuất của công xưởng rất ổn, do đa dạng hóa khách hàng nên các đơn hàng ký hết tháng 5, chúng tôi vẫn cho công nhân làm việc bình thường, thậm chí đợt này phải làm thêm cả ngày Chủ nhật để kịp giao hàng cho đối tác.

Ông có thể nói rõ hơn về sự đa dạng hóa khách hàng của nhà trường?
- Hiện nay, DN nào chỉ có khách hàng ở thị trường Mỹ và châu Âu thì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chúng tôi, ngoài thị trường Mỹ, châu Âu còn có Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nga nên đỡ cho đơn hàng, không bị thiếu hàng sản xuất. Với các thị trường khách hàng khác nhau, chúng tôi cũng sản xuất nhiều mặt hàng đa dạng như áo Vest, Jacket, quần áo thời trang...
Từ đây cho thấy, các DN của mình cũng phải đa dạng hóa nguồn thị trường để tránh bỏ trứng vào một hai giỏ, có nguy cơ rủi ro. Đương nhiên, Mỹ chiếm một nửa thị trường của dệt may Việt Nam, châu Âu khoảng 14%; các DN tìm thêm một số thị trường mới như Mexico, Peru, Canada cho sản phẩm dệt may.
Trong thời gian này, các DN nên cơ cấu lại sản xuất như thế nào?
- Như tôi đã nói, cùng với việc tới đây đa dạng hóa các thị trường khác nhau, nếu cả cung và cầu đều giảm thì cần có giải pháp bảo toàn lực lượng lao động. Đây là điểm rất quan trọng. Có những DN phải giảm giờ làm, cho NLĐ đổi ca với nhau để giữ lực lượng NLĐ. Nếu để NLĐ không có việc thì rất thiệt hại về thu nhập, đóng bảo hiểm và khi sản xuất hồi phục sẽ không có người để làm, rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, Nhà nước đã có những chính sách cho chậm nộp bảo hiểm, hoãn nộp thuế... rất hiệu quả giúp các DN vừa và nhỏ Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thời điểm này có nên quản trị lại DN?
- Rất nên. Các DN cũng rút ra được: Việc các nước mua bán theo cách truyền thống rất phức tạp. Tôi nghĩ, làm việc trực tuyến, làm việc từ xa, thương mại điện tử, về mặt lâu dài thì đây là cơ hội để DN thử nghiệm phương thức quản trị mới. Nếu DN quản trị tốt, trong tương lai giúp cho giảm chi phí quản lý, gia tăng thêm phần lợi nhuận, sức cạnh tranh. DN nên suy nghĩ phương thức quản trị mới, để sau này áp dụng vào đơn vị mình.
Xin cảm ơn ông!