Sáng nay (14/8), tập đoàn Syngenta - tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về nông dược, công nghệ sinh học và giống cây trồng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành Trung tâm nghiên cứu lúa lai, tại xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Trung tâm nghiên cứu lúa lai Syngenta được xây dựng với tổng kinh phí giai đoạn 1 ước hơn 30 tỷ đồng và diện tích khoảng 4 ha. Đây là trung tâm nghiên cứu lúa lai hiện đại đầu tiên tại Việt Nam do một tập đoàn quốc tế đầu tư và vận hành.
Phát biểu tại lễ khánh thành, tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết, trong số 7,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa ở Việt Nam, diện tích lúa lai chiếm từ 650.000-700.000 ha; tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam mới chủ động được từ 30-40% giống lúa lai, còn lại phải nhập khẩu từ 60-70%.
Khảo nghiệm thành công giống lúa lai TH3-3 ở Quảng Trị (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
|
Theo tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Thủy, giống lúa lai cho năng suất và chất lượng tốt và sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp thế giới trong thời gian tới, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu.
“Việc hình thành trung tâm này sẽ giúp các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội trao đổi học hỏi kinh nghiệp và tiếp cận nguồn gen của thế giới, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào ngành nông nghiệp Việt Nam, nâng cao chất lượng lúa lai và hướng tới đưa Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu giống lúa lai trong tương lai. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân và phát triển bền vững,” tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Thủy nhấn mạnh.
Cũng tại lễ khánh thành, ông Gloverson Moro, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Khu vực châu Á–Thái Bình Dương của tập đoàn Syngenta cho biết, dự án đầu tư này thể hiện cam kết tiếp tục gắn bó với sản xuất nông nghiệp bền vững tại Việt Nam của công ty. Trung tâm bao gồm nhiều phân khu như khu lai tạo, khu nhà lưới, kho lạnh, khu máy móc... sẽ góp phần cung cấp hạt giống đa dạng cho thị trường Việt Nam và đáp ứng nhu cầu sản xuất của người nông dân Việt Nam.
Theo đó, ông Gloverson Moro nêu rõ, ở giai đoạn một, Syngenta Việt Nam chủ yếu sẽ nhập khẩu nguồn gen lúa từ các trung tâm của tập đoàn trên toàn cầu để lai tạo bằng phương pháp truyền thống đồng thời đầu tư trang thiết bị nghiên cứu chất lượng xay xát. Hiện đã có một giống lúa được đưa vào khảo nghiệm sản xuất trong hệ thống khảo nghiệm quốc gia, dự kiến đến năm 2017, Syngenta sẽ cho ra thị trường 2-3 giống lúa lai chất lượng và năng suất cao phục vụ sản xuất.
“Mỗi năm trung tâm sẽ quan sát vài nghìn cặp lai để chọn ra vài trăm tổ hợp lai với nhau, chọn cặp triển vọng đưa vào khu sản xuất nhỏ, tiếp đó đưa vào khảo nghiệm, sản xuất thử ở quy mô địa phương và quốc gia. Syngenta hướng tới phát triển lúa lai ba dòng từ các nguồn vật liệu Ấn Độ, Trung Quốc và giống IRR (Viện nghiên cứu lúa quốc tế) với mục tiêu tạo ra sản phẩm thương mại trong tương lai, trong đó chú trọng tới các dòng chất lượng, năng suất, kháng sâu bệnh và hơn thế nữa là những dòng lúa lai thích ứng tốt với biến đổi khí hậu,” ông Gloverson Moro cho hay.
Bên cạnh đó, trung tâm này còn là nơi nghiên cứu và phát triển các giải pháp tích hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa bằng cách tăng năng suất và tối đa hóa chi phi phí đầu tư, bao gồm các giải pháp về bảo vệ thực vật, phân bón, nước tưới và tăng cường tính chống chịu với các điều kiện bất lợi khác.
Giai đoạn hai của trung tâm dự kiến sẽ được khởi động vào năm 2017, Trung tâm nghiên cứu lúa lai sẽ được mở rộng thêm diện tích với những phòng thí nghiệm hiện đại để ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo như nuôi cấy bao phấn, đánh giá tính kháng sâu bệnh nhân tạo, đánh giá chất lượng hóa sinh của hạt gạo.
Syngenta là công ty đa quốc gia hàng đầu về nông dược, hạt giống và công nghệ sinh học có trụ sở chính tại Thụy Sĩ với hơn 28.000 nhân viên trên hơn 90 quốc gia làm việc tận tâm với mục đích “mang tiềm năng cây trồng vào cuộc sống,” giúp nông dân gia tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. |