Trung tướng Lê Đông Phong nói gì về nạn lừa đảo bán đất, đòi nợ thuê?

HUY KHÁNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/12, ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hồ Chí Minh khoá IX đã diễn ra phiên chất vấn. Đáng chú ý, Trung tướng Lê Đông Phong – Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã có phần giải trình xung quanh các vấn đề nổi cộm trong thời gian qua.

Đã có gần một chục đại biểu đặt ra các nhóm vấn đề nổi cộm về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, chất vấn Trung tướng Lê Đông Phong – Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh. Trong đó có nhóm vấn đề thứ nhất về tình hình tội phạm, tỷ lệ án chưa phá được vẫn còn cao; nhóm vấn đề tình hình tội phạm ma túy ngày càng nghiêm trọng; nhóm vấn đề lừa đảo mua bán đất gây bất ổn xã hội; nhóm vấn đề tội phạm xâm hại trẻ em và nhóm vấn đề tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
 Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh trả lời chất vấn của các đại biểu
Về nhóm vấn đề tội phạm xâm hại trẻ em, theo Trung tướng Lê Đông Phong, Công an TP đang có chuyên đề công tác về việc này. Tội phạm xâm phạm trẻ em trong năm 2019 tăng 35 vụ so với cùng kỳ. Có 13 vụ xảy ra tại khu vực vùng ven, hẻo lánh, 67 vụ xảy ra nơi làm việc và 18 vụ xảy ra ở chỗ giữ xe, tầng hầm...Công an TP đã khởi tố 52 vụ. Công an đang tập trung chuyên đề công tác, tham mưu cho ban chỉ đạo 138, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Riêng công an thành phố quán triệt cho các đơn vị, nắm hình hình loại tội phạm này để có biện pháp phòng ngừa. Cán bộ được tập huấn tiếp xúc trẻ em, giúp các cháu có thể ổn định tâm lý cung cấp lời khai. Phân tích địa điểm xâm hại cho thấy công tác phòng ngừa, quản lý chăm sóc trẻ em trong cộng đồng còn sơ hở. Hành vi bỏ rơi không thực hiện không đầy đủ chăm sóc trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc bị nghiêm cấm. Quy định trách nhiệm cho cha mẹ, người chăm sóc là giải pháp căn cơ bảo vệ các cháu khỏi sự xâm hại. Giáo dục kỹ năng tự vệ, tự phòng cũng rất quan trọng.
Về nhóm vấn đề hoạt động tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng vấn nạn cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê làm dư luận bức xúc, gây bất ổn xã hội.  Các loại hình tội phạm này chỉ xử lý khi có các vi phạm như giữ người, đánh đập... các hành vi khủng bố tinh thần thường bị bỏ qua... Có phải việc xử lý đối với loại hình tội phạm này gặp nhiều khó khăn?
 Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn về vấn nạn cho vay nặng lãi
Giải trình về vấn đề này, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết, trong 2019, theo thống kê có 51 nhóm, 178 đối tượng thực hiện các hành vi cho vay đòi nợ, so với năm 2018 là 94 nhóm 383 đối tượng. Công an TP đã khởi tố 38 nhóm, 168 đối tượng. Vẫn còn có những khó khăn trong việc chứng minh dấu hiệu cấu thành để xử lý hình sự khi xử lý hoạt động cho vay nặng lãi. Năm nay các hành vi đe doạ như tạt sơn, tạt mắm tôm... đã giảm bớt số vụ so với năm 2018. Công an TP quán triệt công an, nhất là công an cơ sở, phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu. Công an TP cũng đã tham mưu cho TP kiến nghị không chấp nhận loại hình đòi nợ thuê. Đứng sau các tổ chức đòi nợ thuê có khi là đối tượng xấu, dùng các thủ thuật khủng bố tinh thần đối với nạn nhân. Hiện nay việc xử lý đối với hành vi cho vay nặng lãi đã dễ dàng hơn nhiều, vi phạm có đủ cơ sở đã có thể xử lý, không còn yêu cầu cơ quan công an phải chứng minh đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi chuyên nghiệp (kế sinh nhai) như trước đây.
Về nhóm vấn đề tội phạm ma tuý, người nghiện ma tuý phạm pháp hình sự. Trung tướng Lê Đông Phong cho biết, Công an TP đã tham mưu cho Thành ủy, tổ chức chuyên đề, đề ra giải pháp tổng thể. Cần phải nhận thức lại vai trò của người nghiện ma tuý. Không thể nhận thức, người nghiện như một đối tượng thụ động từ người bán mà là tương tác 2 chiều. Có giai đoạn người nghiện ma tuý đưa đi cai nghiện tập trung, giải quyết được nhiều vấn đề về tình hình an ninh trật tự.
Trung tướng Lê Đông Phong cho biết thêm: “không phản đối quy định cai nghiện tại cộng đồng nhưng phải có cách nhìn nhận phù hợp hơn”.
Giải trình về nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động lừa đảo thông qua việc mua bán đất, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết: “Phải khó khăn lắm cơ quan chức năng mới có thể khởi tố được Alibaba. Ban đầu chỉ có 2 người tố cáo, bây giờ thì rất nhiều. Qua vụ Alibaba chứng tỏ người dân thiếu thông tin, trách nhiệm tham gia giao dịch phải tìm hiểu về tình xác thực. Có thể người dân bị lừa vì lời hứa hấp dẫn lãi suất hứa hẹn mà không có căn cứ gì cả. Đối với hoạt động lừa đảo thông qua bán đất nền, cần tăng cường nắm tình hình, phối hợp ngành chức năng, hoạt động thực tế của doanh nghiệp, thông tin đầy đủ đến nhân dân, thông tin thực của dự án”.