Trước đây, mức giá thuê ki ốt bán hàng tại chợ gốm Bát Tràng từ 200.000 - 300.000 đồng/gian/tháng nay được điều chỉnh lên mức 60.000 đồng/m2/tháng (mỗi ki ốt có diện tích 13,5m2), tức khoảng 810.000 đồng/gian/tháng.
Về sự việc này, chiều 6/11, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Phùng Xuân Việt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, khu vực đất của chợ thuộc quyền sử dụng của Hapro Bát Tràng. Tuy nhiên, để hình thành khu vực phát triển như hiện nay phải do thương hiệu của làng nghề Bát Tràng cũng như việc sản xuất, kinh doanh của các hộ dân mang lại.
Nhiều ki ốt bán hàng trong chợ gốm Bát Tràng đóng cửa do tiểu thương bãi thị. Ảnh: Sơn Bách
Ông Việt cho biết thêm, trong ngày 6/11, lãnh đạo huyện cùng các ngành đã xuống họp với UBND xã Bát Tràng, đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Hapro Bát Tràng, HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ chợ gốm Bát Tràng cùng các hộ kinh doanh.
Trước hết, huyện đề nghị các đơn vị liên quan hợp tác, vận động các hộ kinh doanh tiếp tục kinh doanh bình thường để đảm bảo ổn định tình hình và không làm xấu đi hình ảnh của làng nghề Bát Tràng. Đồng thời giao trách nhiệm cho các phòng, ban của huyện hướng dẫn Hapro Bát Tràng xác định giá làm căn cứ thảo luận, thương thảo ký tiếp hợp đồng theo hướng ưu tiên các hộ kinh doanh và người dân Bát Tràng. "Khi những đối tượng đó không có nhu cầu thì mới đến các đối tượng khác và chỉ được kinh doanh các mặt hàng gốm sứ trong chợ gốm" - ông Việt chia sẻ.
Trong trường hợp các hộ kinh doanh ủy quyền cho đại diện hợp pháp là HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ chợ gốm Bát Tràng thì HTX sẽ ký kết hợp đồng với công ty. Huyện Gia Lâm cũng chỉ đạo phía Hapro Bát Tràng phải thành lập Ban Quản lý chợ do công ty cử và có sự tham gia của đại diện HTX cùng các hộ dân.
Đồng thời xây dựng dự thảo quy chế xin ý kiến các ngành, hộ kinh doanh rồi hoàn thiện quy chế làm căn cứ duy trì quản lý chợ ổn định.Về mức giá thuê ki ốt kinh doanh, UBND huyện Gia Lâm đã yêu cầu Hapro Bát Tràng xây dựng đơn giá trên căn cứ cụ thể về mức phí thuê đất, chi phí vận hành bộ máy quản lý, khấu hao tài sản mỗi năm.
Trên cơ sở đó, các phòng, ban của huyện như Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính xem xét, kiểm tra, rà soát lại xem hợp lý hay chưa. Sau đó, tiếp tục họp với UBND xã Bát Tràng, công ty và đại diện các hộ kinh doanh để thỏa thuận. "Quan trọng nhất là phải có sự thỏa thuận, thống nhất. Mức giá xây dựng phải hợp lý, không hạ thấp quá, nhưng cũng không cao quá vì hiện nay do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên sức mua kém, nếu giá quá cao sẽ không đảm bảo được kinh tế cho người kinh doanh" - ông Việt bày tỏ.
Ông Việt cho biết thêm, theo thông báo của UBND huyện Gia Lâm, tất cả mọi việc trên phải hoàn thành xong trước ngày 25/11. Nếu các bên không hợp tác, không thống nhất được với nhau, huyện sẽ cùng với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội tiếp tục bàn hướng giải quyết.