Ngày 6/7, ông Ali Akbar Velayati, trợ lý cấp cao của Đại Giáo chủ Iran Ali Khamenei, khẳng định Tehran sẵn sàng bắt đầu làm giàu uranium ở cấp độ cao hơn so với mức quy định trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc thế giới, còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).
Phát biểu trong một đoạn video được đăng tải trên trang mạng của Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei, ông Velayati cho biết “Những người Mỹ đã trực tiếp và những người châu Âu đã gián tiếp vi phạm thỏa thuận”. Cũng theo trợ lý Velayati, quyết định nâng cao cấp độ làm giàu uranium vượt trên ngưỡng 3,67% được quy định trong thỏa thuận “đã được mọi thành viên trong chính quyền nhất trí”.
Tuyên bố trên được ông Velayati đưa ra chỉ 1 ngày trước thời hạn chót (7/7) mà Iran đặt ra cho các cường quốc châu Âu, gồm Anh, Pháp và Đức, tham gia ký kết JCPOA để thực hiện những bước đi giúp bảo vệ Iran trước trừng phạt của Mỹ.
Hiện chính quyền Tehran chưa khẳng định mức độ làm giàu uranium, song trong đoạn video trên, ông Velayati đã đề cập tới yêu cầu làm giàu ở mức 5%.
Theo cố vấn Velayati, đối với lò phản ứng hạt nhân Bushehr, Iran cần urani làm giàu 5% và đó là một mục tiêu hoàn toàn hòa bình. Ông Velayati cũng nhấn mạnh, nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Iran hiện đang chạy bằng nhiên liệu nhập khẩu từ Nga và dưới sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Iran đã ngừng sản xuất urani làm giàu trên 5% từ tháng 1/2014 trong bối cảnh các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân đang diễn ra.
Trước đó, phái bộ của Mỹ tại Vienna (Áo) tuyên bố rằng, Đại sứ Mỹ tại IAEA Jackie Wolcott đã yêu cầu một cuộc họp đặc biệt nhằm thảo luận về việc Iran vượt quá giới hạn lượng urani được làm giàu mà Tehran được phép dự trữ.
Hồi đầu tuần này, IAEA xác nhận rằng, Iran đã vượt qua giới hạn 300 kg kho dự trữ uranium được làm giàu quy định trong JCPOA.
Đại diện ngoại giao Iran tại Vienna, nơi đặt trụ sở của IAEA, đã chỉ trích lời kêu gọi IAEA tiến hành cuộc họp là “một nghịch lý đáng buồn” vì nước Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận JCPOA một năm trước./.