Trước thế giới... ảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một bạn trẻ nói rằng, bản thân không thể trả lời được bất cứ thứ gì liên quan đến cuộc sống thực, nhưng lại rất sành sỏi trong thế giới “ảo”.

Dường như chỉ khi ngồi trước màn hình vi tính, bạn ấy mới có cảm giác giành lại được khả năng kiểm soát mọi thứ. Bởi dù là thế giới “ảo”, song những cảm xúc khi say sưa bấm phím hoặc di chuyển con trỏ chuột lại là thật. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Các trò chơi, phương thức trò chuyện hiện nay được thiết kế sống động như thật. Cảm giác làm chủ giả tạo này có sức hấp dẫn như ma lực, tạo ra một cách đam mê, thỏa thích. Và điều đáng nói hơn, không chỉ có bạn, mà chính bố mẹ bạn dường như cũng say sưa với những thứ trên máy tính hơn là cuộc sống thực xung quanh mình. "Sau bữa cơm tối, mỗi người sẽ ôm một máy tính hoặc điện thoại, mê mải trò chuyện với một nhóm bạn hay ai đó qua mạng, mê mải chơi điện tử. Hầu như cả nhà không có nhu cầu nói chuyện với nhau. Có việc gì cần trao đổi, đều được nhắn qua tin nhắn", người bạn ấy kể. Nhưng có lẽ cũng bởi như thế, nên khi rời xa các thiết bị điện tử ấy, dù ngồi đối diện trước mắt bố mẹ, bạn cũng không biết nói gì, không biết thể hiện tình cảm như thế nào. Càng ngày, bạn càng chìm đắm và coi thế giới “ảo” chính là tiêu chuẩn, là mục đích sống của mình.

Đây có lẽ không phải chuyện cá biệt khi thiết bị điện tử và mạng internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhiều trẻ dường như còn sống cuộc sống "ảo" nhiều hơn cuộc sống thực. Nhưng cũng chính từ đó khiến nhận thức, hành vi của trẻ rất dễ mắc đến lệch lạc, ích kỷ… Nhiều chuyên gia tâm lý đã thẳng thắn chỉ ra không ít trường hợp, có những đứa trẻ sau một thời gian sống trong thế giới “ảo”, không biết đâu là thật, đâu là ảo, không thể bước ra cuộc sống thực để hòa nhập. Bởi lang thang trên mạng triền miên, trẻ cứ nghĩ thực là ảo, ảo là thực, làm cho bản thân mê muội, dẫn đến hàng loạt những sai lầm, khó cứu vãn. Không chỉ những đứa trẻ nhỏ, không ít người trẻ có tri thức cũng đang dần rơi vào thế "tự kỷ" bởi chỉ biết kết nối với những con người ảo trên mạng, mà quên mất những người thân quanh mình.

Thực tế, dù máy tính, internet mang đến nguồn kiến thức khổng lồ, nhưng khi điều kiện tiếp xúc của con cái và bố mẹ ngày càng bị hẹp lại, lại càng kích thích đứa trẻ tìm đến cuộc sống “ảo”, tách rời với cuộc sống thực. Ở thế giới “ảo”, trẻ không được rèn các kỹ năng nói, nghe, ứng xử trong đời sống thực của gia đình, xã hội nên tự đưa ra những ứng xử của mình. Sự tự lập, tự quyết định hành vi luôn được khuyến khích, nhưng với những trẻ này, kinh nghiệm thực tế lại không có nên dễ dẫn đến những lệch lạc về hành vi, sẵn sàng bất chấp tất cả để thỏa mãn bản thân… 

Không thể ai khác, bố mẹ chính là cầu nối cho con giữa hai thế giới “ảo” - thực đó. Hãy là cầu nối cho con bằng chính sự quan tâm, trò chuyện, sẻ chia, cung cấp cho con những kiến thức cơ bản nhất và cũng nên gợi mở để trẻ có thể nắm bắt được từ kho tàng kiến thức khổng lồ trên internet. Sự tiếp xúc, học hỏi từ mẹ cha, từ xã hội thực sẽ giúp trẻ có thể có những nhận thức, hành vi ứng xử đúng đắn, phù hợp.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần