Trước tiên hãy nghiên cứu cho kỹ

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thực hiện Nghị quyết 48 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn TP, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 235/KH-UBND ngày 31/8/2022.

Với kế hoạch này, rất nhiều giải pháp được đề ra, trong đó có một nội dung được dư luận quan tâm trao đổi, bàn bạc khá sôi nổi: Hà Nội sẽ nghiên cứu thí điểm dành làn đường riêng cho người đi xe đạp!

Cần khẳng định, đó là một định hướng phù hợp với xu thế phát triển. Ai cũng biết, sử dụng xe đạp như một phương tiện giao thông đang là một xu hướng tích cực tại nhiều nước trên thế giới.

Người dân đi xe đạp bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Như Hoàn
Người dân đi xe đạp bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Như Hoàn

Viễn cảnh về một TP xe đạp như ở thủ đô các nước Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch và nhiều quốc gia châu Âu khác là vô cùng hấp dẫn. Nhưng trước tiên phải xem hoàn cảnh cụ thể.

Trở lại những năm 80 của thế kỷ XX. Khi ấy, Hà Nội được mệnh danh là TP của xe đạp. Dạo ấy, xe đạp là phương tiện chủ yếu của người Hà Nội. Khách nước ngoài đến Hà Nội từ các TP hiện đại Âu, Mỹ trầm trồ về vẻ thơ mộng của những chiếc xe đạp chở những đôi trai gái như trôi đi trên những con đường rợp bóng cây xanh.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng việc Hà Nội coi nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp như một trong những giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn TP hoàn toàn không phải là sự hoài niệm, tìm lại một không gian xưa, mà là việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển.

Cũng cần nhắc lại, không phải đến bây giờ TP mới nghiên cứu, đề ra và thực hiện những giải pháp nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, trong đó việc phân luồng, lập làn riêng cho các loại phương tiện như ô tô, xe máy, xe buýt…

Song có một thực tế là không phải bao giờ những biện pháp ấy cũng thành công. Mới đây nhất là việc thí điểm phân làn phương tiện bằng dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi, đoạn từ hầm chui Khuất Duy Tiến đến cầu vượt Ngã Tư Sở. Sau khi phân làn tình trạng giao thông khu vực này vẫn còn nhiều bất cập, tạo ra một nghịch lý: “Đi đúng luật thì nguy hiểm, đi sai luật mới an toàn!”, như phản ánh của một tờ báo.

thực tế nói trên và nhân dự kiến nghiên cứu dành làn đường riêng cho xe đạp ở Hà Nội, xin nêu lên hai ý kiến.

Thứ nhất, đã đề ra việc gì thì phải làm tới cùng, không nên để tình trạng đánh trống bỏ dùi. Muốn vậy, thì phải chọn những giải pháp cấp thiết nhất, phù hợp nhất để ưu tiên thực hiện, và thực hiện có hiệu quả.

Thứ hai, dự kiến dành làn đường riêng cho xe đạp là một việc làm cần thiết, đúng với xu thế phát triển, đem lại những cái lợi không ai có thể phủ nhận, từ bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông đến nâng cao sức khỏe người dân. Nhưng để những lợi thế đó phát huy tác dụng, điều trước tiên là phải làm cho nó thực sự đi vào cuộc sống. Tránh việc khi có làn đường dành cho người đi xe đạp, các loại phương tiện khác, thậm chí người đi bộ lại lấn chiếm, rồi đâu lại vào đấy!

Và cũng cần nhớ là, những TP như Paris, Amsterdam, Brussels… có thể dành làn đường cho người đi xe đạp đều là những đô thị văn minh, hiện đại, với hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, hầu như không còn nạn kẹt xe, tắc đường và sử dụng xe đạp để đi lại thực sự là nhu cầu của người dân. Tất cả những điều kiện trên, thẳng thắn mà nói, Hà Nội ta hiện vẫn chưa có đủ.

Có vỉa hè cho người đi bộ, làn đường dành riêng cho xe đạp là một mong ước tốt đẹp về một Hà Nội văn minh hiện đại. Hiện tại, dự án dành làn đường riêng cho xe đạp đang ở giai đoạn nghiên cứu, như một vị lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết. Vậy thì trước tiên hãy nghiên cứu thật kỹ lưỡng, nghiêm túc, tránh nóng vội mà hỏng việc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần